Khôi phục "lá chắn biển"

BÍCH HẠNH 05/09/2014 10:19

Với người dân sống ven biển, rừng dương như bức tường ngăn nước biển lấn sâu vào đất liền, bảo vệ sự an toàn cho làng mạc.

Minh chứng cho điều đó là nơi nào có hệ sinh thái rừng dương dày đặc, nơi đó ít bị tàn phá nặng nề hơn mỗi khi có bão dữ quét qua. Thực tế, ở vùng biển trong tỉnh đã từng trả giá đắt khi chưa có quy hoạch một cách khoa học, bài bản; chính xác hơn chúng ta vẫn chưa thực sự tôn trọng môi trường thiên nhiên. Một thời, làn sóng đầu tư phát triển các dự án chạy dọc ven biển, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển tự phát… đã khiến vùng biển trong thời gian ngắn đã bị “sa mạc hóa”. Sự “trái nết” của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng cao đã,  đang tiềm ẩn mối lo lớn cho người dân và chính quyền các địa phương ven biển. Các giải pháp xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông, biển ở vùng đông Duy Xuyên, Tam Kỳ và công trình gia cố chống tình trạng xâm thực biển ở Hội An đã tiêu tốn một số tiền đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, việc đầu tư cũng chỉ mới ưu tiên vào những khu vực trực tiếp bị tổn thương. Chính vì thế, biện pháp khả thi nhất, đơn giản nhất để phòng chống diễn biến bất thường của thiên nhiên đối với vùng ven biển là trồng và khôi phục vành đai xanh rừng dương chắn sóng, chắn cát bay.

Trồng và khai thác đúng cách rừng dừa ở Cẩm Thanh (Hội An) sẽ giúp cho người dân hưởng lợi. Ảnh: B.H
Trồng và khai thác đúng cách rừng dừa ở Cẩm Thanh (Hội An) sẽ giúp cho người dân hưởng lợi. Ảnh: B.H

Trong chiến lược quy hoạch vùng ven biển kéo dài từ Hội An vào Núi Thành, ngành nông nghiệp đã tính toán rà soát, quy hoạch lại rừng phòng hộ ven biển. Những diện tích mà các dự án bỏ hoang sẽ bị thu hồi, cân nhắc trồng lại cây. Suốt thời gian dài, nhiều địa phương lúng túng trong giải bài toán cân nhắc lợi ích kinh tế và khôi phục, bảo vệ môi trường bền vững nên tốc độ tái tạo rừng rất chậm, nếu không muốn nói là… giẫm chân tại chỗ. Trong khi chờ đợi sự phục hồi rừng ven biển từ các nguồn vốn ngân sách eo hẹp, thời gian qua, nhiều nơi đã tranh thủ phục hồi rừng rất thành công. Điển hình, từ năm 2010 đến nay, các tổ chức SIDA, WWF phối hợp với Sở Tài nguyên – môi trường đã thực khoanh vùng khu vực dễ bị tổn thương các hệ sinh thái trước biến đổi khí hậu ở xã Tam Hải (Núi Thành); dự án “Tăng cường năng lực địa phương về quản lý bền vững đất ngập nước” đã phục hồi  rừng ngập mặn An Hòa. Đến nay, chính quyền xã Tam Hải đã trồng dặm 2ha rừng, qua đó thành lập được mô hình tự quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn tại địa phương. Hiện người dân chuẩn bị trồng rừng mới ngay bờ biển. Trong khi đó, một số nơi dựa vào khu rừng hiện hữu, lên kế hoạch mở rộng không gian rừng để phục vụ cho phát triển du lịch như ở xã Cẩm Thanh (Hội An), Tam Nghĩa (Núi Thành). Khôi phục rừng cũng nằm trong chiến lược phát triển vùng ven biển dài lâu của tỉnh, với mục tiêu một mặt vừa tạo vành đai xanh bảo vệ làng mạc trong mùa mưa bão, giảm thiểu tối đa tác động xấu của biến đổi khí hậu, vừa tạo ra môi trường lý tưởng cho các loài thủy sinh phát triển.

BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khôi phục "lá chắn biển"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO