Khôi phục làng nghề đóng tàu biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 10/02/2014 12:43

Từ những nỗ lực không ngừng, làng nghề đóng tàu biển nổi tiếng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) đã được khôi phục sau thời gian dài hoạt động cầm chừng. Chính quyền địa phương đang ra sức tạo điều kiện để phát triển bền vững làng nghề truyền thống này.

“Làm nước” tồn tại khá lâu tại Kim Bồng.  Ảnh:N.Q.VIỆT
“Làm nước” tồn tại khá lâu tại Kim Bồng. Ảnh:N.Q.VIỆT

Hồi sinh và trở ngại

Đến làng đóng tàu kim Bồng, dễ thấy cảnh những người thợ cặm cụi với từng công đoạn đóng mới tàu cá. Từng tốp thợ chia nhau xẻ gỗ, kéo triền đà, uốn be, khoan chốt… “Năm nay tôi đã bước vào tuổi 50 và đã có 35 năm tuổi nghề, niềm vui cũng nhiều mà nỗi buồn cũng không ít. Ai đời, sinh ra, lớn lên và thạo nghề giữa làng đóng tàu danh tiếng mà thời gian đi “đánh thuê” ở các địa phương khác lại chiếm đến hai phần ba. Gần đây làng nghề mới được vực dậy” - ông Nguyễn Nhân (một chủ cơ sở đóng tàu ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim) tâm sự.

Những ngày qua, hai nhóm thợ tại cơ sở đóng tàu của ông Lữ Vui (thuộc thôn Trung Hà) cũng hối hả, người bưng bê, kẻ đục đẽo để hoàn thành hai chiếc tàu có công suất 250CV của hai nhóm hộ ngư dân đến từ xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Bình Minh (Thăng Bình). Anh Nguyễn Văn Lập, một thợ đóng tàu ở đây chia sẻ: “Tôi học nghề đóng tàu ngay từ khi kết thúc trung học. Có thời gian dài đóng tàu ở làng nghề, rồi thất nghiệp, có lúc chuyển nghề, nay trở lại với công việc quen thuộc, tôi rất phấn khởi”. Người dân Cẩm Kim đóng tàu ở làng nghề Kim Bồng không chỉ là sinh kế, thu nhập mà là góp phần xây dựng quê hương. Với họ, làng nghề là “ngôi nhà chung”, làm sống lại nghề chính là góp phần tạo nên bản sắc của làng quê.

Dẫn chúng tôi vòng quanh “doanh trại”, nơi có hàng chục thợ đóng tàu đang làm việc chăm chỉ, ông Nhân chỉ xưởng cưa, đường ray triền đà, từng kiện gỗ, khối gỗ, nhà xưởng, trạm cung ứng phụ tùng… Ông nói: “Cái thủ tục phê duyệt bản vẽ, hồ sơ thiết kế tàu cá đã gây khó khăn cho chúng tôi. Đường đi của bản vẽ từ Quảng Nam ra Hà Nội để phê duyệt sao mà trắc trở quá trời. Phải chờ đợi hàng tháng trời nên chủ tàu nào cũng nản lòng, họ tặc lưỡi rồi… chạy vì lãi suất vốn vay từ ngân hàng cứ tăng lên. Vay tiền tỷ chứ có phải ít đâu. Vậy là đứt hẳn hợp đồng sắp bắt tay vào việc”. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Nam, để được đóng mới tàu cá có công suất từ 250CV trở lên, chủ cơ sở đóng tàu phải hoàn tất hồ sơ thiết kế rồi gửi ra Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT) xin phê duyệt. Chỉ là phê duyệt một mẫu chung thiết kế nhưng “đường đi” vòng vèo của nó đã khiến cho nhiều cơ sở đóng tàu ở Kim Bồng phải… chết đứng. Do không “chạy” được phê duyệt thiết kế, không đóng được tàu mới nên các cơ sở đóng tàu danh tiếng ở đây phải cầm cự sống bằng nghề “làm nước” - sửa chữa tàu cá không phải tuân thủ theo bất kỳ một thiết kế nào - suốt một thời gian đằng đẵng. Do trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào có đủ điều kiện theo quy định để thiết kế bản vẽ thân tàu nên ông Nhân và nhiều chủ cơ sở đóng tàu khác ở làng nghề phải chạy đôn chạy đáo đến các tỉnh, thành khác để… thuê thiết kế. Phải ròng rã nhiều thời gian, qua nhiều môi giới, ông Nhân mới “đến” được với nơi thiết kế thân tàu, rồi làm hồ sơ gửi đến Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, được phê duyệt lấy đó làm cơ sở để đóng tàu. “Cam go đủ đường, nhưng quan trọng là chừ có thể đóng mới tàu cá làm hồi sinh làng nghề” - ông Nhân tự tin nói.

Phát huy thương hiệu

Nhiều nguồn tư liệu đã khẳng định, nghề đóng tàu tại Kim Bồng đã có từ thế kỷ XVIII. Một số trát văn thời Quang Trung hiện đang được lưu giữ tại TP.Hội An cũng đã cho thấy nhiều nội dung liên quan đến việc điều các thợ đóng tàu của Kim Bồng đi tu bổ, đóng mới các tàu chiến, thuyền chiến cho quân đội. Điều đó cho thấy, trong các thế kỷ trước, nghề đóng tàu Kim Bồng đã rất phát triển và giữ một vị thế lớn không chỉ riêng  ở Hội An mà cả xứ Đàng Trong bấy giờ. Ông Phan Trọng Nhân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim khẳng định, sự hồi sinh của nghề đóng tàu Kim Bồng là niềm tự hào lớn. “Dù có nhiều quãng thời gian làng nghề gặp khó, phải sống chật vật bằng “làm nước” nhưng sự hồi sinh của làng nghề đã cho thấy năng lực vận động nội tại rất lớn của làng nghề. Làng nghề được khôi phục không chỉ đảm bảo lao động cho các tay nghề kỳ cựu, giúp người dân địa phương cải thiện thu nhập mà còn khẳng định tầm vóc của Cẩm Kim. Đó chính là điểm nhấn của địa phương trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng, làm giàu bản sắc văn hóa cho đô thị cổ Hội An” - ông Nhân nói. Cũng theo ông Phan Trọng Nhân, để ổn định làng nghề, xã đang đề xuất với UBND TP.Hội An có cơ chế hỗ trợ vốn vay giúp các chủ cơ sở đóng tàu có thêm điều kiện mua nguyên liệu, đầu tư máy móc, thiết bị, kiện toàn hạ tầng cơ sở, phát triển bền vững làng nghề.

Chiếc tàu có công suất 420CV đang được đóng tại cơ sở của ông Nguyễn Nhân.
Chiếc tàu có công suất 420CV đang được đóng tại cơ sở của ông Nguyễn Nhân.

Thời gian qua, từ nguồn khuyến công, TP.Hội An đã hỗ trợ kinh phí để khôi phục và phát triển vị thế các làng nghề trên địa bàn. Từ nguồn kinh phí đó, nhiều làng nghề đã sử dụng vào việc mua sắm thiết bị, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, mở lớp đào tạo nghề… Thực tế đã cho thấy diện mạo làng nghề ngày càng khang trang, truyền thống của nghề vẫn được gìn giữ. Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, chính quyền ưu tiên đầu tư khôi phục vị thế lớn của nghề đóng tàu biển. Trước tiên, thành phố dành nguồn kinh phí khuyến công, giúp địa phương chủ động đào tạo nghề, trang bị các vật dụng cần thiết, sau đó là quảng bá làng nghề, khuyến khích phát triển bền vững, chú trọng chất lượng sản xuất. “Qua nhiều thăng trầm, làng nghề đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân đóng tàu nức tiếng gần xa. Phát triển bền vững nghề đóng tàu cá Kim Bồng, bảo vệ vốn liếng văn hóa địa phương đồng thời cũng là tạo môi trường thuận lợi để các nghệ nhân dân gian cống hiến thêm cho hiện tại và cả mai sau” - ông Trương Văn Bay nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khôi phục làng nghề đóng tàu biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO