(QNO) - Trồng dâu nuôi tằm vốn là nghề truyền thống của người dân thôn Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn). Do nhiều lý do mà nghề bị mai một. Những năm gần đây, chính quyền huyện Nông Sơn đang nỗ lực khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm này; đồng thời tìm giải pháp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người dân làm nghề.
Hiệu quả cao
Gia đình bà Phan Thị Phượng (43 tuổi, thôn Đại Bình, xã Quế Trung) có 8 sào đất nà ven sông Thu Bồn, theo nghề trồng dâu nuôi tằm đã 3 đời nay. Mỗi một lứa nuôi 2 đuỗi kén (gần 1 hộp trứng) gia đình bà thu được khoảng 40kg kén, nếu thời tiết thuận lợi, lá dâu phát triển tốt, mỗi tháng gia đình bà làm được hai lứa. Với giá thị trường như hiện nay là 150 nghìn đồng/kg thì thu nhập của gia đình bà khoảng 10 triệu đồng.
Ngoài ra, người dân trong vùng, các thương lái trên địa bàn cũng đến tận nơi để thu mua con nhộng về làm thực phẩm. “Việc nuôi tằm được gia đình duy trì từ đời ông cố đến giờ. Cứ mỗi lứa tằm cho kén khoảng 17 - 21 ngày, mỗi sào dâu có thể đủ cho tằm ăn và cho thu hoạch ít nhất nửa hộp kén tằm, thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Mỗi năm, cho thu hoạch khoảng 7 - 8 lứa tùy điều kiện chăm sóc và thời tiết. Nuôi tằm so với các công việc khác thì ít tốn công mà cho thu nhập ổn định hơn” - bà Phượng chia sẻ.
Ông Trần Kim Tuấn (thôn Đại Bình) cho biết, những năm trước, người dân ở đây trồng dâu bản địa và một số giống dâu nhập nội từ Trung Quốc rất bấp bênh, không đạt sản lượng, không đảm bảo nguồn thu nhập của gia đình. “Được sự hỗ trợ của Nhà nước gia đình tôi trồng 5 sào dâu tằm S7-CB. Với giống dâu này cho lá to, hái nhanh mà còn phát triển tốt ở vùng đất này. Gia đình tôi trồng 5 sào dâu, lứa đầu tôi nuôi được 1 hộp trứng, thu nhập được hơn 5 triệu đồng. Lứa thứ 2 tôi nuôi 2 hộp trứng đã cho thu nhập hơn 8 triệu, hiệu quả kinh tế rất cao” - ông Tuấn chia sẻ .
Phát huy tiềm năng
Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, trong một lần đến tham quan các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở thôn Đại Bình đã khẳng định, lợi thế lớn nhất trong việc trồng dâu nuôi tằm ở Nông Sơn là vẫn duy trì được phương pháp truyền thống. Từ cách ươm tơ, sản xuất dâu tằm, kén được duy trì từ ông cha ta để lại. Ngoài những bãi dâu dọc sông Thu Bồn thì Nông Sơn còn có thể quy hoạch các đồi dâu để mùa lũ có thể thu hoạch phục vụ cho việc sản xuất kén cung cấp ra thị trường quanh năm và ổn định.
“Để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam nói chung và huyện Nông Sơn nói riêng, chúng ta cần áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất trứng giống tằm, giống dâu, nhân lực tạo ra sản phẩm tốt để xuất khẩu ra thị trường như: Nhật Bản, châu Âu... Đặc biệt, về thị trường tơ tằm người nông dân không phải lo như trước nữa, vì chúng ta đã tham gia vào các chuỗi cung ứng nguyên liệu thô của toàn cầu. Theo dự báo và nghiên cứu của chúng tôi thì nghề trông dâu nuôi tằm sẽ còn ổn định từ 15 - 20 năm nữa, cho nên cứ yên tâm đầu tư và gắn bó” - ông Vũ khẳng định.
Theo ông Lê Quốc Sỹ - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn, năm 2018 đơn vị đã triển khai mô mình khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại thôn Đại Bình với 6 hộ tham gia. Khi tiếp cận với mô hình, các hộ dân này được tâm hỗ trợ 46.500 hom giống dâu tằm S7-CB, 12 hộp trứng tằm giống LĐ 09, phân bón và các vật tư khác… Trung tâm còn phối hợp với UBND xã Quế Trung tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu để cho năng suất và chất lượng lá dâu, chọn giống tằm để nuôi thích hợp với điều kiện của địa phương.
“Việc khôi phục và phát huy tiềm năng của nghề trồng dâu nuôi tằm ở Nông Sơn không chỉ góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập mà còn khôi phục lại ngành nghề truyền thống ở địa phương và phục vụ du lịch sinh thái làng Đại Bình. Phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm nhằm thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản xuất theo hướng bền vững, hạn chế việc xói lở đất dọc 2 bên bờ sông Thu Bồn” - ông Sỹ cho biết thêm.