Khôi phục thương hiệu cam giấy Tiên Hà

DIỄM LỆ 08/10/2020 09:18

Người dân xã Tiên Hà (Tiên Phước) đã hình thành vùng sản xuất tập trung cam giấy ở thôn Tiên Tráng. Bước đầu, loại cam giấy bản địa được phục hồi và đưa ra thị trường thông qua chuỗi liên kết giá trị, nâng tầm cho thương hiệu cam giấy.

Xã Tiên Hà hỗ trợ nông dân và hợp tác xã xây dựng thương hiệu cam giấy bản địa. Ảnh: D.L
Xã Tiên Hà hỗ trợ nông dân và hợp tác xã xây dựng thương hiệu cam giấy bản địa. Ảnh: D.L

Tại thôn Tiên Tráng hiện có hơn 100 hộ dân tham gia trồng lại cây cam giấy Tiên Hà. Đây là loại cây bản địa có từ lâu đời, nhưng có thời gian bị rơi vào quên lãng do người dân bỏ bê, mất năng suất, chất lượng. Từ năm 2015, người dân bắt đầu nhân giống cam giấy bằng cách chiết cành từ những gốc cây bản địa già cỗi còn lại.

Ông Phan Văn Tâm là một trong những hộ dân tiên phong thực hiện việc này từ vườn cam gốc của mình. Ông nói: “Vườn cam của tôi được phục hồi từ giống cam của cha ông để lại, lúc đầu làm năng suất thấp do thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách phòng trừ sâu bệnh. Sau này xã hỗ trợ, tôi được học hỏi kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cùng với kinh nghiệm chăm sóc cây của bản thân nên cây có năng suất cao hơn, ngọt, mọng nước hơn”. Mùa này, vườn cam hơn 150 gốc của ông Tâm trĩu quả, ước lượng đạt hơn 150 tạ cam, với giá mỗi ký cam trái dao động từ 15 - 20 nghìn đồng.

Để không lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, với sự hỗ trợ của xã Tiên Hà và huyện Tiên Phước, Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hà đã lập dự án để xây dựng chuỗi liên kết, nâng giá trị cho cam giấy Tiên Hà. Giai đoạn 2018 - 2019, HTX Nông nghiệp Phước Hà đã xây dựng vườn cây cam giấy đầu dòng với số lượng 11 cây. Năm 2019 - 2020, HTX tiếp tục nhân số cây đầu dòng lên 80 cây, phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa đúng chuẩn, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

HTX đã liên kết với chuỗi các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị để đưa cam giấy có nhãn mác đạt chuẩn vào tiêu thụ. Tuy nhiên, khâu kết nối giữa HTX với nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên HTX chưa thể thu mua số lượng nhiều trong nông dân, mà chỉ mới kết hợp được với hơn chục hộ dân thu mua cam giấy, sơ chế rồi đưa đến thị trường tiêu thụ.

Ông Đoàn Thanh Lân - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hà cho biết, HTX cùng với UBND xã Tiên Hà xây dựng thương hiệu cam giấy đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, đó là bước đầu thành công.

“HTX sẽ hỗ trợ thực hiện sản xuất cam giấy theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng nông dân vẫn còn sản xuất theo kinh nghiệm, tập quán chứ chưa làm theo tiêu chuẩn yêu cầu, nên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. HTX sẽ cố gắng kết nối, đưa sản phẩm sạch của bà con đến với thị trường để tăng giá trị cho thương hiệu cam giấy Tiên Hà” - ông Lân nói.

Để giải quyết bài toán liên kết chuỗi giá trị giữa HTX Nông nghiệp Phước Hà với nông dân trồng cam giấy, UBND xã Tiên Hà có vai trò cầu nối cũng như hỗ trợ mọi mặt.

Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết: “Cây cam giấy từ khi được phục hồi, nhân giống trồng rộng rãi ở thôn Tiên Tráng đến nay đã cho thấy sự phù hợp, sản lượng cao nếu chăm sóc đúng cách. Về lâu dài, xã tiếp tục hỗ trợ và động viên, làm cầu nối tạo điều kiện cho nông dân và HTX liên kết tạo nên chuỗi giá trị khép kín để nâng thương hiệu cam giấy, đưa ra thị trường loại cam chất lượng, sạch, an toàn”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khôi phục thương hiệu cam giấy Tiên Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO