Từng là sản vật nổi tiếng một thời ở vùng Đại Lộc, làng chè An Bằng (xã Đại Thạnh) đã bị mai một, suy giảm diện tích. Việc tạo lập vườn ươm giống, ứng dụng kỹ thuật, quy trình thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu chè xanh, tạo sản phẩm đặc trưng vùng miền được huyện Đại Lộc hướng tới.
Vườn chè của cụ Giác góp phần giữ sắc hương cho vùng đất An Bằng. Ảnh: M.Phường |
Mai một vùng chè
Làng chè An Bằng có tuổi đời hàng trăm năm, từng đi vào tiềm thức dân gian: “Thà rằng nhịn một bữa cơm/Chứ không thể thiếu chè thơm An Bằng” hay qua thơ ca một thời: “Thắm lòng chia vị loòng boong/Chè tay ai hái ngát hương An Bằng (“Lời người Đại Lộc” - Lưu Trọng Lư). Một thời, người Đại Lộc tự hào về danh tiếng của một loại chè thơm, ngon được trồng nhiều ở vùng gò đồi Đại Thạnh vốn có chất đất Feralit đỏ vàng. Lá chè An Bằng nhỏ, hơi vàng, giòn, thơm đậm, có vị chát, màu đẹp. Trước năm 1945, xứ chè An Bằng từng có những gia đình phất lên nhờ sở hữu hàng ngàn gốc chè cho tới cả chục ngàn gốc như ông Thủ Thi, Xã Nhạn, Hương Ba, Thủ Lựu… Làng chè từng trải qua nhiều thăng trầm. Những năm 1980-1990, toàn xã Đại Thạnh có khoảng 120ha chè nhưng nay, chỉ còn khoảng 150 hộ trồng chè rải rác với gần 30ha. Trong đó tập trung khoảng 20ha tại thôn An Bằng, còn lại rải rác ở thôn Mỹ Lễ, Tây Lễ. Nguyên nhân suy giảm diện tích là vì yếu tố gió bão tự nhiên, thị trường bị thu hẹp, tập quán canh tác lạc hậu của người dân khiến diện tích giảm sút và đất đai bị thoái hóa.
Theo cụ Nguyễn Giác (85 tuổi), làng chè thịnh nhất là khoảng thời gian 1954-1970. Những năm này, gia đình cụ Giác trồng tới 10.000 cây chè, nhiều thế hệ trong gia đình cụ cũng từng giàu có lên nhờ cây chè. Sau ngày giải phóng, người dân vẫn tiếp tục trồng chè nhưng do ảnh hưởng chiến tranh, trải qua nhiều năm canh tác đất có dấu hiệu thoái hóa, giá cả chè giảm nhiều khiến nông dân không còn mặn mà canh tác, những diện tích trồng chè bị phá bỏ, thay vào đó là keo lai, keo lá tràm. Song, vẫn còn nhiều người già ở xứ chè không nỡ phá bỏ, vẫn lưu giữ lại vườn chè từng là cây nuôi sống cả gia đình. Như vườn chè của cụ Đoàn Thị Giác (85 tuổi) chỉ còn trên 1ha, được trồng cách đây 30 năm. Mỗi ngày, cụ vẫn chăm sóc, hái tỉa lá cẩn thận để tiếp tục thu hoạch những lứa chè xanh. Mỗi ký chè được cụ bán với giá 10-12.000 đồng, tuy cây chè không còn giúp gia đình cụ có nguồn thu nhập khá như trước kia nhưng cũng góp phần cải thiện một phần kinh tế và tạo nguồn thu nhập thường xuyên. Hiện không còn nhiều người dân xứ chè lưu giữ loại cây này trong diện tích rẫy và vườn nhà như cụ Nguyễn Giác, Đoàn Thị Giác; nhiều gia đình chỉ còn lưu lại một ít cây trong vườn để dùng hằng ngày hoặc biếu bà con xa gần khiến vùng chè đứng trước nguy cơ mai một, xóa dấu tích. Cụ Lê Pháp (92 tuổi), người gắn bó với vùng chè gần cả đời tâm sự: “Gia đình tôi chỉ còn trồng vài cây chè để uống thôi chứ không còn vườn như xưa. Làng chè đã mai một rồi, mong người trẻ cố gắng giữ lại chút hương của vùng đất này cho mai sau”.
Khôi phục thương hiệu vùng chè
Tin vui đối với người dân xứ chè là dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để khôi phục và phát triển vùng chè An Bằng tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam” (thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số) đã được Bộ KH&CN phê duyệt. Dự án do Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc chủ trì, Viện Thổ nhưỡng nông hóa chuyển giao công nghệ, triển khai trong giai đoạn 2017-2020, với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, chủ nhiệm dự án, Quảng Nam là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên thích hợp với cây chè. Được biết, vùng chè của tỉnh hiện có khoảng 500ha, tập trung nhiều ở Tiên Phước (khoảng 200ha), Đông Giang (160ha), Nam Trà My (45ha), Đại Lộc (hơn 30ha), mỗi năm cho khoảng 900 tấn búp tươi. Theo định hướng phát triển nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2005, cây chè được quy hoạch phát triển khoảng 1.000ha tại các vùng trung du đồi núi. Từ chủ trương của tỉnh, huyện Đại Lộc hướng tới khôi phục, phát triển vùng chè chuyên canh tại làng nghề truyền thống hàng trăm năm tại xã trung du của huyện, giúp giải quyết lao động tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân.
Năm 2017, dự án trong giai đoạn hình thành, địa phương đang chỉ đạo tiến hành lựa chọn cây đầu dòng, hỗ trợ để người dân tham gia trồng và khôi phục vườn chè chuyên canh. Trước mắt, tạo lập vườn ươm cây giống bằng cách thức nhân giống vô tính (giâm cành, thay vì nhân giống bằng hạt). Từ cây giống này, dự án sẽ xây dựng mô hình trồng chè thâm canh với quy mô 5ha (15.000 cây/ha) trồng theo hướng VietGap tại thôn Mỹ Lễ. Dự án còn cải tạo nương chè cũ tại An Bằng với diện tích 10ha theo hướng VietGap. Mục tiêu đặt ra là diện tích trồng mới phải đảm bảo năng suất đạt 1,2 - 1,4 tấn/ha vào năm 2020; trên diện tích chè cũ, năng suất đạt 2 tấn chè búp. Công nghệ thu hoạch, chế biến (làm héo, làm lạnh đột ngột bằng công nghệ), đóng gói chè; dây chuyền tạo sản phẩm chè khô, đóng gói, nhằm tạo sự đa dạng hóa sản phẩm chè An Bằng sẽ được chuyển giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thạnh. Dây chuyền sản xuất này có công suất chế biến, đóng gói lên tới 400 - 500kg búp tươi mỗi ngày. Dự án cũng tiến đến sản xuất thử nghiệm và đóng gói 2 tấn chè búp khô, loại 100g, 200g, 500g… Với những mục tiêu, nỗ lực mà dự án hướng tới, hy vọng màu xanh của vùng chè sẽ hiện hữu trên những khu vườn, gò đồi của xứ An Bằng và sản phẩm đặc trưng trên đất Đại Lộc có cơ hội vươn ra thị trường.
H.LIÊN - M.PHƯỜNG