Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để khôi phục, nhân giống chuẩn đối với cây chè bản địa; phát triển vùng chè, đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng từ cây chè xanh An Bằng là hướng đi triển vọng tại huyện Đại Lộc.
Tạo vùng nguyên liệu bền vững
Qua 6 năm triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để khôi phục và phát triển vùng chè An Bằng tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam”, Th.S Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (chủ nhiệm dự án) và cộng sự, cán bộ Viện Thổ nhưỡng nông hóa đã góp phần khôi phục và phát triển vùng chè xanh An Bằng, tạo vùng nguyên liệu sạch, đồng thời triển khai mô hình chế biến sâu, hướng tới sản xuất bền vững.
Theo Th.S Hồ Ngọc Mẫn, 6 năm qua, ban chủ nhiệm dự án đã nỗ lực đánh giá hiện trạng sản xuất và điều kiện thổ nhưỡng vùng chè An Bằng ở huyện Đại Lộc; chọn lọc được 1.000 cây chè An Bằng ưu tú tại xã Đại Thạnh; xây dựng vườn ươm nhân giống chè An Bằng cung cấp cho mô hình trồng mới.
Dự án đã xây dựng được các mô hình thâm canh chè An Bằng năng suất cao, chất lượng tốt và cải tạo những nương chè cũ, góp phần tạo vùng nguyên liệu bền vững. Vườn ươm nhân giống chè An Bằng có diện tích 1.000m2 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, có năng lực sản xuất 100.000 cây giống/năm. Vườn ươm đã sản xuất được 80.000 cây chè giống phục vụ trồng mới 5ha chè tại xã Đại Thạnh, tỷ lệ sống đạt 90 - 95%.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để khôi phục và phát triển vùng chè An Bằng tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam” là dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, do Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc chủ trì, Th.S Hồ Ngọc Mẫn chủ nhiệm, Viện Thổ nhưỡng nông hóa chuyển giao công nghệ. Dự án triển khai trong 72 tháng (11/2016 - 10/2022) với tổng kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng.
Theo Th.S Hồ Ngọc Mẫn, tình hình sinh trưởng, phát triển của chè thực hiện bằng phương pháp giâm cành tốt, cây chè khỏe, sâu bệnh hại không đáng kể. So với phương pháp trồng bằng hạt truyền thống thì phương pháp giâm cành có nhiều ưu điểm rõ rệt, hệ số nhân giống cao, và cây chè con giữ nguyên được tính ưu trội của cây mẹ.
Hiện nay vườn ươm nhân giống chè tiếp tục được Phòng NN&PTNT Đại Lộc quản lý, sử dụng hiệu quả phục vụ công tác gieo ươm tại địa phương.
Có 4 hộ dân tham gia mô hình trồng mới vườn chè là ông Huỳnh Hồng 1ha, Hồ Quang Hưng 2ha, Phạm Thị Xuân Ly 1ha, Trần Vũ Quế Trinh 1ha (trồng giai đoạn 2020 - 2022).
Dự án cũng xây dựng một số mô hình cải tạo nương chè cũ năng suất, chất lượng thấp với tổng diện tích 10ha. Năm 2018 có 85 hộ tham gia cải tạo vườn chè; năm 2019 - 2022 qua chọn lọc còn 73 hộ đủ tiêu chuẩn tham gia dự án.
HTX Nông nghiệp Đại Thạnh Phát và HTX Nông nghiệp hữu cơ An Bằng được dự án lựa chọn xây dựng được mô hình chế biến, đóng gói chè xanh (chè búp). Đặc biệt, HTX Nông nghiệp hữu cơ An Bằng được tiếp nhận chuyển giao các quy trình công nghệ thu hoạch, chế biến, đóng gói chè xanh (chè búp), hỗ trợ các loại máy móc phục vụ sản xuất.
HTX được dự án chuyển giao dây truyền sản xuất, chế biến, đóng gói chè xanh quy mô nhỏ, công suất 400 - 500kg chè búp tươi/ngày. Qua thực tiễn, thiết bị vận hành ổn định, HTX đã sản xuất được 2 tấn chè búp khô đạt TCVN 9710-2013, đóng gói hút chân không.
Theo ông Hồ Quang Hưng - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ An Bằng, sản phẩm chè búp của HTX đã đạt OCOP 3 sao cấp huyện và tỉnh đang phân hạng để xem xét, công nhận. HTX đang liên kết với một số hộ dân trồng, tạo vùng nguyên liệu, trồng mới 5ha chè trong dân.
“HTX đã tiếp nhận chuyển giao các quy trình trồng trọt, thu hái, sản xuất chè nguyên liệu để nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu. HTX còn tiếp nhận công nghệ, máy móc, thiết bị chế biến trà (máy sao chè, máy diệt men, máy sấy, máy đóng gói hút chân không) phục vụ sản xuất bền vững. Đây là dự án giàu tính ứng dụng và thực tiễn, hỗ trợ rất lớn cho người dân trồng chè và HTX, góp phần khôi phục làng nghề sản xuất chè đang bị mai một” - ông Hưng nói.
Cần xây dựng chuỗi giá trị
Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh (Đại Lộc) cho biết, ngày trước, người dân Đại Thạnh chủ yếu sống bằng cây chè và dầu rái. Qua thời gian, giá trị từ cây chè không có, khâu quảng bá, phát triển các sản phẩm chưa được chú trọng. Người dân vùng dự án hiện đã học được cách làm phân vi sinh bón cho cây, năng suất và giá trị cũng cao hơn. Địa phương đã có sản phẩm OCOP 3 sao - chè Bancha An Bằng, nay lại có thêm sản phẩm chè búp.
Theo bà Nam, nhiều hộ dân được hưởng lợi từ dự án và tham gia mô hình rất tốt như ông Đoàn Ngọc Hoà (thôn An Bằng), Trương Văn Đức, Trương Kiểu (thôn Mỹ Lễ)...
“Xã sẽ nỗ lực vận động HTX cũng như người dân duy trì mô hình, song khâu thương mại hóa, đầu ra cho sản phẩm sau này rất quan trọng, bởi bà con sản xuất ra nhiều mà không bán được thì rất khó.
Thời gian qua, HTX Đại Thạnh Phát đã tổ chức sản xuất trà bancha, từ đó chè An Bằng có giá tốt hơn, được HTX thu mua 15 nghìn đồng/kg. Bây giờ có thêm HTX mới, hy vọng sức mua, sức cạnh tranh tăng cao, khâu liên kết sản xuất tốt hơn nữa” - bà Nam nói.
Theo TS.Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH&CN, đây là dự án có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và xã hội, nhất là đối với một loại đặc sản vùng miền có danh tiếng hơn 200 năm như chè An Bằng.
Nếu trước, người dân vùng chè thiếu cải tạo, làm mới giống chè, hầu như không có tác động KH&CN vào khâu nhân giống, trồng trọt, canh tác, sản xuất thì tham gia dự án này, người dân đã biết cách nhân giống từ biện pháp giâm cành, giâm hom, biết cách làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng.
Dự án cũng tạo sản phẩm chè búp, đổi mới về hình thái và chất lượng sản phẩm. Từ dự án, địa phương có thêm sản phẩm vùng miền để đăng ký sản phẩm OCOP và đang hướng tới OCOP hạng 4 sao, hướng tới tìm kiếm thị trường để xuất khẩu.
“Sau khi dự án kết thúc, địa phương phải có trách nhiệm duy trì sản phẩm sau nghiệm thu. Trước hết là vườn ươm, cần giao cho đơn vị phù hợp để sản xuất giống chè, cung ứng cho nhiều địa phương miền núi Quảng Nam.
Các tài sản về máy móc liên quan đến sấy, chế biến, đóng gói chè, phải giao cho một đơn vị khai thác, sử dụng, quản lý chè vì đây là tài sản nhà nước, phải sử dụng có hiệu quả. Sản phẩm nghiên cứu từ dự án cần được hỗ trợ, xúc tiến thương mại hóa, tránh lãng phí, thất thoát” - TS.Kim nhấn mạnh.