Cơ chế đào tạo nghề có sự liên kết chặt chẽ giữa địa phương - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh đã được khởi động quyết liệt trong toàn tỉnh, nhất là ngành may mặc, nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động trong tình hình mới.
Tín hiệu vui ở vùng cao
Ngày khai giảng khóa học nghề may đầu tiên vào đầu tháng 3.2017, hơn 90 lao động của huyện Nam Giang đều có mặt, đặc biệt có trường hợp cả gia đình cùng đi học. Đó là gia đình của chị Zơrâm Thị Dưu (SN 1977, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang). Gia đình chị có 3 người cùng đến trường, trong đó có 2 người đi học nghề may là chị Dưu và con gái Zơ râm Thị Quê (SN 1998), con trai nhỏ chỉ mới 4 tuổi cũng theo mẹ đi học. Khi xã Đắc Pring thông báo về khóa đào tạo nghề may miễn phí, lại được đi làm ngay sau khi học, chị Dưu chọn cách dắt theo luôn đứa con nhỏ xuống trường học nghề. Nhà trường đã bố trí chỗ ăn ở miễn phí cho cả 3 mẹ con để thuận tiện hơn cho việc học tập. “Tôi sẽ cố gắng học tập để có thể tiếp cận công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Cả trung tâm đào tạo nghề và phía doanh nghiệp đều tạo điều kiện để chúng tôi học hành và yên tâm làm việc sau này” - chị Dưu nói.
Lao động học nghề may sẽ có những lựa chọn tốt nhất khi thông tin về doanh nghiệp minh bạch, rõ ràng. Ảnh: D.L |
Ở các huyện miền núi như Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức đã có những chuyển động ban đầu. Ở Bắc Trà My, ngay giữa tháng 3 này sẽ khai giảng lớp đào tạo nghề may ở xã Trà Giáp với 35 lao động đầu tiên. Ở Nam Trà My cũng khởi động lớp nghề đầu tiên với sự tham gia của 30 lao động ở xã Trà Mai. Hiệp Đức đã có được 26 lao động ở xã Phước Trà, Sông Trà đăng ký học khóa đầu tiên của huyện. Theo Phòng LĐ-TB&XH của các huyện này, các lao động khi đăng ký học nghề đều cam kết sẽ đi làm ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đó là cơ sở chắc chắn để các cơ sở đào tạo, địa phương mạnh dạn vào cuộc đào tạo nghề. Ở huyện Nam Trà My, việc tuyên truyền cơ chế đào tạo nghề được thực hiện sát sao, với chỉ đạo từ chủ tịch UBND huyện là mỗi cán bộ từ huyện đến thôn, bản phải nắm rõ cơ chế mới, tuyên truyền đến từng người dân để họ hiểu và định hướng nghề nghiệp. Dù tỉnh giao cho Nam Trà My phải đào tạo được 500 lao động nhưng con số huyện giao cho các xã lên đến 750 người. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu đã trực tiếp đến từng xã, làm việc với cán bộ từ xã đến thôn, bản và tuyên truyền về đào tạo nghề. Đây là cơ chế đặc biệt nhằm thu hút lao động miền núi xuống đồng bằng làm việc trong các nhà máy, là con đường giảm nghèo bền vững khi có nghề, có việc làm trong tay. Ngoài cơ chế của tỉnh, huyện Nam Trà My đã quyết định trích từ ngân sách hỗ trợ cho mỗi học viên 15kg gạo/tháng để học viên yên tâm đến lớp.
“Khát” lao động
Doanh nghiệp ngành may đang “khát” lao động, đó là thực tế đang diễn ra khi các công ty, xí nghiệp cũ thì được mở rộng, các công ty mới được đầu tư với quy mô sản xuất dành cho hàng nghìn lao động ở các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã và đang đào tạo nghề may cho 495 lao động, trong tháng 3 sẽ khai giảng thêm một số lớp với hơn 200 lao động nữa. Như vậy, so với nhu cầu của doanh nghiệp là 12 nghìn lao động trong năm 2017 thì con số này là quá ít. Đã hết quý I.2017, con số đạt được quá thấp so với nhu cầu, đòi hỏi các địa phương phải vào cuộc vận động mạnh mẽ hơn nữa, và các cơ sở đào tạo nghề phải đi về cơ sở nhiều hơn nữa để tuyển sinh cho được người học nghề.
Một trong những vấn đề quan trọng là làm sao để đào tạo không phải chạy theo chỉ tiêu. Theo đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo - người lao động - doanh nghiệp sẽ tạo cầu nối để lao động miền núi đến với doanh nghiệp một cách hiệu quả, chất lượng. Cơ sở đào tạo ngoài việc cùng địa phương đi tận từng thôn, bản để tuyển sinh người học thì còn chịu trách nhiệm làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho người học. Và trước khi đào tạo, nơi làm việc đều là địa chỉ cụ thể, thông tin rộng rãi đến người học để họ có sự chọn lựa tốt nhất. Mọi thông tin về lương thưởng, chế độ phúc lợi xã hội đều được công khai, minh bạch để các bên cùng kiểm chứng khi vào làm việc. Bà Lê Thị Bé - Giám đốc Công ty TNHH may Minh Hoàng 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) chia sẻ: “Những năm qua, người lao động ở khu vực miền núi, trong đó có huyện Bắc Trà My đã đến với công ty làm việc và được hỗ trợ phát triển tay nghề rất tốt. Nay cơ chế đào tạo nghề của tỉnh sẽ giúp công ty thêm nguồn lao động có tay nghề, đó thực sự là điều kiện cần cho các doanh nghiệp ngành may. Công ty sẽ đồng hành với các trường nghề và địa phương để hỗ trợ đào tạo. Đồng thời cam kết đảm bảo các chế độ phúc lợi, mức lương phù hợp khi tuyển dụng lao động, hỗ trợ nâng cao tay nghề… Khi có nghề nghiệp ổn định, đời sống người lao động cũng dần nâng lên. Rõ ràng, bài toán về chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động miền núi không phải ngày một ngày hai, rất cần sự chung tay từ nhiều phía, kể cả nỗ lực của chính người lao động”.
DIỄM LỆ