Qua 2 năm triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, đầu tư, bức tranh du lịch phía nam và phía tây của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, hướng đến sự phát triển toàn diện và bền vững, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tiếp theo.
Làng bích họa Tam Thanh (Tam kỳ) đang trở thành điểm đến thu hút khách ở khu vực phía nam của tỉnh. Ảnh: HẢI HOÀNG |
Chỉ trong mùa hè năm 2017 Công ty CP Du lịch Việt Đà đã đưa 7 đoàn khách về phía nam của tỉnh với gần 500 lượt khách, đánh dấu những biến chuyển mới cho du lịch khu vực này khi những địa chỉ như quần thể công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, làng bích họa, Tam Hải, hồ Phú Ninh… được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn. Nhất là khi tuyến đường ven biển từ Hội An vào đến Tam Kỳ hình thành kéo theo đó những vệt dự án đang và sẽ triển khai để kết nối liên vùng, tạo nên sự lan tỏa cùng những kỳ vọng về một làn sóng du lịch mới trong thời gian đến.
Lan tỏa
Năm 2017 chứng kiến những chuyển biến mạnh mẽ của du lịch phía tây và phía nam của tỉnh, thể hiện qua việc lượng khách gia tăng đột biến. Thống kê sơ bộ cho thấy, bình quân mỗi ngày có hơn 1 nghìn lượt khách đến tham quan du lịch ở phía nam tỉnh, chủ yếu là các điểm trên địa bàn TP.Tam Kỳ, trong đó công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng là điểm đến “hạt nhân” của cả vùng với số lượng khách mỗi ngày vài trăm lượt, cá biệt những ngày lễ tết số khách có thể tăng lên vài nghìn người. Tính đến hết năm 2017, Ban quản lý Quần thể công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã đón tiếp, thuyết minh, tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương cho khoảng 1.000 đoàn khách với gần 180 nghìn lượt khách (khoảng 1.600 lượt khách quốc tế). Tại một số điểm khác như làng bích họa, biển Tam Thanh hay địa đạo Kỳ Anh… bức tranh du lịch năm qua cũng trở nên đậm nét. Riêng địa đạo Kỳ Anh kể từ sau Festival di sản lần thứ VI đến nay, ngày nào cũng có đoàn khách ghé thăm - điều khá mới mẻ so với nhiều năm qua.
Đặc biệt, sau khi dự án Làng bích họa Tam Thanh hoàn thành, khu vực phía nam, nhất là TP.Tam Kỳ, thị trường khách Hàn Quốc đang có dấu hiện tăng trưởng mạnh. Ngoài nguyên nhân dự án Làng bích họa Tam Thanh do các nghệ sĩ Hàn Quốc trực tiếp thực hiện, còn bởi mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Nam, nhất là những địa phương phía nam tỉnh với các địa phương của Hàn Quốc, qua đó đã giúp quảng bá hình ảnh khu vực này đến với thị trường khách Hàn Quốc thuận tiện hơn. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, trong năm qua việc thúc đẩy các hoạt động du lịch phía nam và phía tây của tỉnh đã có những tiến triển khá tốt; một số sản phẩm văn hóa, sản vật địa phương như múa hát cồng chiêng Cơ Tu hay sâm Ngọc Linh (Nam Trà My) lần đầu được giới thiệu, quảng bá đến du khách không chỉ tại chính nơi xuất phát mà đã lan tỏa xuống phố qua chương trình Đêm văn hóa Cơ Tu tại Hội An. “Du lịch phía tây, phía nam phát triển đã giúp không gian du lịch Quảng Nam dịch chuyển mở rộng ra xa hai di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn, qua đó giới thiệu đến khách về một Quảng Nam với nhiều giá trị văn hóa, sinh thái, làng quê, làng nghề. Sự phát triển này cũng phù hợp với chủ trương của tỉnh trong việc đa dạng hóa điểm đến cho du khách khi đến tham quan Quảng Nam, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh” - ông Cường nhìn nhận.
Đưa du lịch phía nam phát triển
Có thể khẳng định, năm 2017 là năm thành công của du lịch phía nam tỉnh trên cả hai phương diện tăng trưởng khách và quảng bá hình ảnh điểm đến. Việc UBND tỉnh tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, du lịch tại phía nam như: hội nghị đầu tư, khai thác sản phẩm du lịch Quảng Nam; hội nghị đối thoại doanh nghiệp du lịch cuối năm; Festival di sản Quảng Nam; Ngày Hàn Quốc tại Quảng Nam hay chuyển đổi chức năng cảng cá An Hòa (Núi Thành) thành cảng hành khách phục vụ du lịch… đã thể hiện đầy dụng ý và quyết tâm của tỉnh nhằm đưa du lịch phía nam phát triển.
Tại Tam Kỳ, việc xây dựng kế hoạch, đầu tư các sản phẩm du lịch đã và đang được triển khai hoặc phê duyệt đầu tư, từng bước hướng đến việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh. Đồng thời đóng vai trò kết nối trong tam giác phát triển với Núi Thành - Phú Ninh và rộng hơn là phía tây nam của tỉnh. Bà Đặng Tuyết Lan - Phó Trưởng phòng VH-TT TP.Tam Kỳ cho biết, năm 2017 bức tranh du lịch Tam Kỳ đã thực sự chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác đầu tư và thu hút đầu tư. Ngoài mở rộng làng bích họa, thành phố cũng đã và sẽ đầu tư vào địa đạo Kỳ Anh (Tam Thăng) như trùng tu đình Thạch Tân, giếng nước, đường làng, cảnh quan… Năm 2017 UBND thành phố đã thống nhất các kế hoạch phát triển du lịch Tam Kỳ, dự kiến mỗi năm sẽ phân bổ khoảng 1,5 tỷ đồng để đầu tư, phát triển các sản phẩm dịch vụ nơi đây.
Trong khi Hội An bắt đầu trở nên quá tải, việc khai thác thêm các điểm đến là rất quan trọng và phù hợp. Tuy vậy, du lịch phía nam năm 2017 dù có những dấu hiệu phát triển tích cực nhưng để trở thành một điểm đến vững chắc và hấp dẫn cần khắc phục những hạn chế, tồn tại lâu nay. Đó chính là công tác quy hoạch xây dựng sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực làm du lịch. Nói về hướng phát triển du lịch phía nam Quảng Nam, ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng thẳng thắn chia sẻ: “Khách không thể đi vài chục cây số đến công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, làng bích họa chỉ để chụp một bức hình, hay tham quan các điểm đến rồi về. Nên Quảng Nam phải có những chiến lược, quy hoạch chi tiết và bền vững để cung cấp sản phẩm cho khách. Chúng ta có điểm đến nhưng không có sản phẩm dịch vụ thì cũng không hiệu quả. Quảng Nam phải cần rất nhiều nhà đầu tư lớn để đầu tư về mặt sản phẩm. Chưa nói, nếu chúng ta có sản phẩm tốt nhưng nguồn nhân lực phục vụ không đáp ứng thì cũng rất nan giải, nên ngoài sản phẩm cũng nên đầu tư con người”.
KHÁNH LINH