Giáo dục miền núi thời gian qua có nhiều khởi sắc trong phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho vùng núi, vùng dân tộc.
Trường lớp khang trang
Những năm qua, giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số được quan tâm rất lớn thể hiện qua hàng loạt chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh; từ quy hoạch mạng lưới, đầu tư xây dựng trường lớp đến công tác phát triển đội ngũ. Bên cạnh chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, giáo viên (GV) và học sinh (HS), tác động rất lớn đến sự nghiệp trồng người ở miền núi.
Trường học miền núi giờ khang trang hơn rất nhiều. |
Quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng và phân bố hợp lý đến tận thôn, bản, đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Đến nay, mạng lưới trường học của các huyện miền núi khá phát triển với 13 trường THPT, 83 trường THCS, 86 trường tiểu học, 82 trường mẫu giáo, mầm non. Việc phát triển các loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) và phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) cũng được chú ý nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu ăn ở và học tập của con em địa phương với 7 trường DTNT cấp huyện và 50 trường DTBT. Ngoài ra, dù không nằm ở miền núi nhưng Trường Phổ thông DTNT tỉnh (đóng tại TP.Hội An) làm nhiệm vụ giảng dạy cho HS miền núi để tạo nguồn đào tạo cán bộ. Tiếp tục phát triển trường lớp, năm 2015, Trường THPT Võ Chí Công được thành lập tại xã A Xan và dự kiến đi vào giảng dạy từ năm học 2017-2018, giúp cho con em các xã vùng cao của huyện Tây Giang đỡ phải vất vả vượt đường xa về trung tâm huyện để học. Không chỉ đủ trường, đủ lớp, cơ sở vật chất của giáo dục miền núi giờ đây cũng khá khang trang. Số trường được tầng hóa, kiên cố hóa đầu tư ngày càng nhiều. Đáng chú ý, hiện đã có 65 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và kế hoạch đến năm 2020 có thêm hơn 90 trường đạt chuẩn.
Trong quá trình phát triển miền núi, một số chủ trương, chính sách của tỉnh ban hành đã tạo động lực lớn và sức bật mới cho giáo dục phát triển. Chẳng hạn, nhằm tạo điều kiện cho những “hạt giống đỏ” đã học tập tại các trường phổ thông DTNT huyện, năm 2013 tỉnh quyết định chuyển đổi 3 trường phổ thông DTNT huyện sang mô hình trường có 2 cấp học gồm THCS và THPT là Trường Phổ thông DTNT Nam Trà My, DTNT Phước Sơn và DTNT Nước Oa (Bắc Trà My). Với mô hình này, trường không có các lớp 6, 7, 8, thay vào đó là 4 khối lớp 9, 10, 11, 12 và HS được hưởng chế độ ăn ở, học tập của loại hình trường DTNT trong suốt thời gian học tập tại trường. Việc thành lập các trường phổ thông DTBT cũng góp phần giúp HS miền núi đỡ vất vả trong việc đi học hàng ngày. Mới đây nhất, tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết quy định khoảng cách, địa bàn để có chính sách hỗ trợ cho học trò miền núi không thể đi đến trường và về nhà trong ngày. Rõ ràng, bên cạnh chính sách của Trung ương, những chế độ, chính sách riêng của tỉnh hỗ trợ cho GV, HS đã giúp cho giáo dục miền núi có được những bước phát triển nhanh và vững chắc. Vẫn còn khoảng cách so với đồng bằng, song có thể nói giáo dục miền núi đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Tạo nguồn cán bộ
Mạng lưới trường lớp mở rộng đến tận thôn bản nên chuyện đi học đối với học trò miền núi thời gian qua không còn nhiều trắc trở như trước. Không quá “chậm chân” so với các địa phương đồng bằng, trước đây các huyện miền núi cũng kịp hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS đúng kế hoạch và mới nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Với 13 trường THPT và 4 trường phổ thông DTNT hiện nay, số lượng HS người dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT mỗi năm lên đến hơn 1.700 HS. Đây là nguồn lực dồi dào trong việc tạo nguồn cán bộ cũng như lực lượng lao động có trình độ cho địa phương. Trong những năm qua, việc nâng cao tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương miền núi được quan tâm, trong đó GD-ĐT là một trong những ngành đi đầu. Theo Sở GD-ĐT, hiện tỷ lệ GV người dân tộc thiểu số ở các cấp học đều khá cao như mầm non 26,5%, tiểu học 16,6%, THCS gần 13%, THPT 31% và riêng các trường phổ thông DTNT chiếm hơn 21%. Chính đội ngũ này có vai trò rất quan trọng đối với giáo dục vùng dân tộc, nhất là góp phần làm cầu nối cho HS người dân tộc thiểu số ra lớp. Nhờ đó tỷ lệ HS bỏ học ở miền núi giảm hẳn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Được triển khai từ năm 1991, cử tuyển là chính sách tuyển thẳng HS người dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT vào đại học nhằm đào tạo nguồn cán bộ cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau ngày tái lập tỉnh, trước nhu cầu khá lớn về nguồn cán bộ cho miền núi, Quảng Nam rất quan tâm đến chính sách này nên hàng năm đều cử số lượng lớn HS theo học tại các trường trên cả nước (tỉnh lo chi phí ăn học và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp). Chỉ tính riêng trong vòng gần 10 năm trở lại đây, cả tỉnh đã cử gần 1.400 người theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trong đó đại học chiếm đa số, cho thấy nguồn lực từ chính sách cử tuyển khá lớn. Một số huyện có số lượng HS cử tuyển đông như Nam Trà My 280, Tây Giang 241, Bắc Trà My 202, Nam Giang 189, Phước Sơn 161, Đông Giang 146. Có thể nói rằng, nhờ chính sách cử tuyển, miền núi Quảng Nam mới có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có chất lượng như hiện nay. Tạm dừng từ năm 2015 sau 25 năm triển khai để có thời gian giải quyết tình trạng số sinh viên ra trường chưa có việc làm, song rõ ràng chính sách này đã góp phần rất lớn vào việc đào tạo nguồn cán bộ cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.
XUÂN PHÚ