Khởi sắc hạ tầng vùng cao

VINH ANH - NGUYÊN ĐOAN 03/08/2015 08:45

Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ trung ương, đồng thời phát huy tốt nguồn lực tại chỗ, 5 năm qua, huyện Phước Sơn đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng vùng cao, góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống cho nhân dân. 

Tuyến đường nối liền Khâm Đức và các xã vùng cao chạy dọc theo những sườn núi đẹp như tranh vẽ.  Ảnh: VINH ANH
Tuyến đường nối liền Khâm Đức và các xã vùng cao chạy dọc theo những sườn núi đẹp như tranh vẽ. Ảnh: VINH ANH

Thời gian từ trung tâm huyện đi đến 5 xã vùng cao của huyện Phước Sơn đã rút ngắn hơn rất nhiều so với 5 năm trước đây. Đó là nhờ vào con đường huyết mạch nối Khâm Đức với các xã vùng cao được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với chiều dài 70km. Khoảng cách về vị trí địa lý, về đời sống giữa các vùng đã và đang dần được thu hẹp lại. Để trải nghiệm thực tế, chúng tôi đã đi đến những xã xa xôi nhất nhằm tận mắt chứng kiến những thay đổi đó.

Xóa dần khoảng cách

Trước đây, từ thị trấn Khâm Đức đi xe máy lên xã Phước Lộc mất ít nhất 3 giờ đồng hồ, nay thời gian giảm hơn một nửa. Tại trung tâm xã Phước Lộc, không khó để bắt gặp những chiếc ô tô đón khách xuống đồng bằng, hay những chuyến xe chở hàng từ đồng bằng lên vùng cao. Hai bên đường quán xá mọc lên đông đúc… Năm nay hơn 70 tuổi, già làng Hồ Văn Hạnh (thôn 6, xã Phước Lộc), là người cảm nhận rõ hơn cả về những thay đổi tại vùng đất này từ khi có đường. Không chỉ đường vào trung tâm xã được trải nhựa mà đường giao thông nông thôn đến các thôn trong huyện cũng dần được bê tông hóa. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn thôn 6 (Phước Lộc) và thôn 3 (Phước Thành) chưa có đường bê tông, còn lại đã có đường bê tông vào đến thôn. Già Hạnh chia sẻ: “Ngày trước khi chưa có đường nhựa lên trung tâm xã, hàng hóa, giá cả đắt đỏ. Giờ có đường rồi, cái chi cũng có, giá con cá, chai dầu, gói mỳ chính... cũng giảm nhiều lần so với trước. Nhờ vậy mà đời sống người dân bớt khổ hơn nhiều”.

Từ Phước Lộc vòng qua Phước Thành, sự thay đổi lại càng thể hiện rõ ràng hơn khi cả đường và điện đã đến với người dân nơi đây. Anh Lê Thanh Hòa, một cán bộ từ đồng bằng lên công tác tại xã Phước Thành hơn 10 năm nay cho biết, trung bình một ký hàng hóa (bất kể hàng gì) được vận chuyển từ Khâm Đức lên Phước Thành ngày trước được tính cước phí 5 nghìn đồng/kg, nhưng nay đường sá thông suốt, giá chỉ còn 1 - 2 nghìn đồng. Có đường, có điện, đời sống người dân Phước Thành thay đổi rõ rệt. Một chủ quán cơm gần trung tâm xã Phước Thành cũng cho biết: “Từ khi có đường, có điện, giá cả giảm rất nhiều. Ngày trước một lon nước ngọt giá vài chục ngàn đồng thì nay cũng giảm gần một nửa. Bởi vậy mà hàng hóa bán “chạy” hơn nhiều, đời sống người dân vì thế cũng sướng hơn”. Cùng với điện, đường thì trường, trạm cũng được đầu tư kiên cố hơn trước, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng cao. Cảnh vượt rừng 2 - 3 ngày đưa người xuống đồng bằng chữa bệnh giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người dân vùng cao nơi đây…

Sử dụng nguồn vốn hiệu quả

Về xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện 5 năm qua, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt gần 1.800 tỷ đồng, tăng 172,46% (không tính vốn của các dự án thủy điện và Công ty Vàng Phước Sơn). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư khoảng 290 tỷ đồng. Có 150 công trình và hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhiều công trình thiết yếu như xây dựng hạ tầng đô thị khu trung tâm huyện, trung tâm dạy nghề, nhà thi đấu đa năng, hệ thống cấp thoát nước thị trấn, các tuyến giao thông lên 5 xã vùng cao, đưa điện lưới đến thôn 2, thôn 3 (Phước Thành), nhiều công trình trường học, nhà công vụ giáo viên, trạm y tế… đươc đầu tư xây dựng. Mục tiêu “điện, đường, trường, trạm” cơ bản hoàn thành.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, trước đây 5 xã vùng cao của huyện khó khăn nhất về đường sá, điện lưới, trường học và y tế. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, được sự đầu tư từ các nguồn vốn trung ương, trái phiếu chính phủ (nguồn chương trình 30a, 135), nguồn hỗ trợ của tỉnh và nguồn vận động tại chỗ, huyện đã tiến hành đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn, đặc biệt là hạ tầng vùng cao đạt những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa vùng cao với đồng bằng. Ông Hà cho biết: “Dù vẫn còn là một huyện nghèo, nhưng để có được kết quả như hôm nay, đó cũng là một sự nỗ lực lớn của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện. Một trong những điểm mấu chốt là huyện đã biết phát huy và vận dụng các nguồn lực đầu tư có hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí. Việc gì cần đầu tư trước, trọng điểm, cái gì nên đầu tư sau đều được cân nhắc, nghiên cứu kỹ”.

Trong những năm đến, huyện tiếp tục xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, tiếp tục đầu tư hạ tầng vùng cao, trước mắt hoàn thành kéo điện lưới cho 6 thôn còn lại của huyện chưa có điện. Đồng thời xây dựng đường đến các thôn và vùng sản xuất tập trung. Đặc biệt, thị trấn Khâm Đức đã được tỉnh và trung ương phê duyệt thành đô thị loại 4 vào năm 2019, do đó nhiệm kỳ đến huyện sẽ chú trọng phát triển hạ tầng cho thị trấn. Qua đó thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, giải quyết lao động, nâng cao đời sống nhân dân.

VINH ANH - NGUYÊN ĐOAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi sắc hạ tầng vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO