Năm 2005, huyện Phú Ninh được chia tách trở thành đơn vị hành chính độc lập. Chia tách là cơ hội để huyện phát triển, tạo sự bứt phá, nhưng con đường phát triển của huyện thật lắm gian nan. Kinh tế thuần nông, điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng thiếu thốn, thu nhập của người dân chưa cao…, đặt ra câu hỏi lớn cho Đảng bộ, chính quyền Phú Ninh lúc này: Bằng cách nào đưa địa phương phát triển đi lên? Sau những tháng ngày trăn trở, tìm tòi, lãnh đạo huyện đã xác định: Phú Ninh phải đi lên bằng con đường xây dựng nông thôn mới (NTM).
Phát huy vai trò Mặt trận, đoàn thể
Sau khi xác định hướng đi, Phú Ninh mạnh dạn xúc tiến lập đề án xây dựng NTM. Dự án quy hoạch xây dựng mô hình NTM huyện Phú Ninh giai đoạn 2007 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2007. Dường như mọi điều kiện thuận lợi đang ủng hộ Phú Ninh, nhưng con đường xây dựng NTM vẫn muôn vàn khó khăn, tất cả đều bắt đầu từ sự tìm kiếm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo huyện thì đã rõ, nhưng làm sao để huy động được sức dân, làm cho dân hiểu đây chính là cuộc cách mạng mới ở nông thôn, chính người dân là chủ thể, là người trực tiếp được hưởng lợi trong quá trình ấy. Và Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc, giữ vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng này.
Nhân dân xã Tam Thành ra quân cứng hóa giao thông nội đồng. |
Trong 4 năm qua, Mặt trận, hội đoàn thể các cấp đã phối hợp tổ chức 165 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, đoàn thể ở các chi hội khu dân cư; đồng thời tổ chức hơn 2.500 buổi tuyên truyền với gần 160 nghìn lượt người tham dự về xây dựng NTM. Ngoài ra, xây dựng các bản tin nội bộ cấp đến chi, tổ hội, cấp phát tờ rơi; tổ chức hàng trăm buổi sinh hoạt tọa đàm, mít tinh, sinh hoạt chuyên đề ở các chi tổ hội và Ban công tác Mặt trận thôn... để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Các nội dung như quy hoạch NTM, quy hoạch sản xuất, triển khai thực hiện các đề án gắn với 19 tiêu chí NTM được nhân dân ở tổ đoàn kết, khu dân cư thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp, cách làm hay… Công tác tuyên truyền đã tạo nên những thành công nhất định, mà trước hết là sự đồng tình ủng hộ của người dân trong công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng thu nhập cao, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà vườn. Cùng với đó, người dân mạnh dạn đầu tư để cơ giới hóa trong sản xuất; chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhờ đó tăng giá trị kinh tế trên diện tích sản xuất, tạo nhiều sản phẩm mang thương hiệu riêng như: dưa hấu, rau sạch, gà lấy trứng, lúa giống hàng hóa...
Hiệu quả với hướng đi đúng
Phấn đấu đạt chuẩn năm 2015 Ngày 12.6.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2078/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện huyện Phú Ninh đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2015. Theo đó, đến cuối năm 2015, huyện Phú Ninh phải có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (8 xã) để đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, ngoài 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 (gồm: Tam Phước, Tam An, Tam Thành), các xã Tam Dân, Tam Thái, Tam Đàn, Tam Vinh, Tam Đại phải phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đồng thời các xã còn lại là Tam Lộc, Tam Lãnh phải đạt ít nhất 14 tiêu chí/xã và đáp ứng điều kiện đạt chuẩn 2 tiêu chí thu nhập cùng tỷ lệ hộ nghèo, 5 tiêu chí còn lại đạt ít nhất 70% so với quy định.B.T |
Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở còn thể hiện vai trò của mình trong xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí. Hơn 4 năm qua, Mặt trận, đoàn thể nhận ủy thác cho đoàn, hội viên vay vốn phát triển sản xuất gần 200 tỷ đồng. Vận động Quỹ vì người nghèo đạt hơn 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp hơn 490 nhà đại đoàn kết cho các hộ khó khăn. Vận động nhân dân hiến hơn 6.500m2 đất và nhiều cây cối, hoa màu, vật kiến trúc. Riêng Hội Nông dân huyện giải quyết cho hơn 4.000 lượt hộ nông dân vay vốn từ các kênh với tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng; phối hợp tổ chức hơn 140 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 10.000 lượt nông dân; mở 14 lớp dạy nghề ngắn hạn với 420 học viên tham gia, góp phần đáng kể trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Hay như Hội Cựu chiến binh huyện làm nòng cốt trong vận động cán bộ hội viên và nhân dân đóng góp công sức, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu... để giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng nông thôn. Hội LHPN huyện bằng các hoạt động thiết thực như thành lập mới 90 tổ, nhóm góp vốn quay vòng và tiết kiệm tín dụng, thành lập 13 câu lạc bộ “Phụ nữ phát triển kinh tế”, đỡ đầu thường xuyên 48 phụ nữ và trẻ em nghèo, xây dựng và nâng cấp sửa chữa 12 mái ấm tình thương... đã hỗ trợ cho 385 hộ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo. Có thể kể đến Đoàn thanh niên với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội” tổ chức hơn 200 đợt ra quân tình nguyện, san đắp hơn 17km giao thông nội đồng và giao thông nông thôn; tham gia dồn điền đổi thửa hơn 45ha ruộng. Hoặc như Liên đoàn Lao động huyện phát động phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong cán bộ công nhân viên chức, người lao động, góp phần nâng cao nguồn nhân lực xây dựng NTM...
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn trên hành trình xây dựng NTM, nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền và sự đồng lòng quyết tâm cao của Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã tạo nên những nét khởi sắc của nông thôn Phú Ninh. Cuối năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 10 xã đầu tiên của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó huyện Phú Ninh có 3 xã góp mặt là Tam Phước, Tam An, Tam Thành. Đối với 7 xã còn lại cũng đạt 9 - 17 tiêu chí, trong đó có 5 xã phấn đấu đạt 19 tiêu chí trong năm 2015. Có thể khẳng định, thành quả đạt được trong xây dựng NTM ở Phú Ninh là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí, cùng địa phương về đích trước thời hạn.
BÙI VÕ QUẢNG
(Phó Bí thư Huyện ủy Phú Ninh)