(QNO) - Từ những thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới (NTM), TP.Tam Kỳ đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp để tiếp tục tạo khởi sắc cho khu vực nông thôn.
Giai đoạn 2010 - 2020, TP.Tam Kỳ có 4 xã tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gồm Tam Ngọc, Tam Thăng, Tam Thanh và Tam Phú. Qua nửa chặng đường, năm 2015, UBND tỉnh đã ghi nhận 2 xã đạt chuẩn NTM là Tam Ngọc và Tam Thăng. TP.Tam Kỳ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM cho 2 xã còn lại vào năm 2018. Có thể thấy rằng, khu vực nông thôn của TP.Tam Kỳ đã thay đổi diện mạo, khá khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Minh Nam (bìa trái) cho biết Tam Kỳ đang triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: QUANG HỒNG |
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, thời gian qua, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng những công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Ví như đầu tư xây dựng 16km đường trục xã; bê tông hóa 45km đường liên thôn, liên xã; bê tông hóa 9km đường nội đồng; xây dựng mới 4 trạm bơm; đầu tư 4 công trình thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa 18km kênh mương nội đồng. Cùng với đó, thành phố đã nâng cấp 8 trường học, xây mới 2 trạm y tế xã, 17 nhà văn hóa thôn, 2 sân thể thao… Tổng mức đầu tư trong 5 năm qua là 285 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và tỉnh là 120 tỷ đồng, các doanh nghiệp hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng, còn lại là nguồn lực đóng góp của nhân dân.
Để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo, TP.Tam Kỳ đã triển khai nhiều cơ chế khuyến khích hỗ trợ người dân. Theo UBND TP.Tam Kỳ, nhờ hỗ trợ lãi suất vốn vay với mức hơn 3 tỷ đồng, 560 hộ dân vay vốn trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư cho các mô hình kinh tế mới. Trong giai đoạn 2011 - 2015, thành phố tiếp sức người dân qua vay vốn xây dựng 4 trang trại, 2 tổ hợp tác, 24 gia trại nuôi gà. Tam Kỳ đang xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, tiêu biểu là Hợp tác xã Mười Tín ở Tam Thăng. Ngoài ra, thành phố huy động 200ha diện tích đất phục vụ sản xuất rau tập trung, mỗi năm thu hoạch khoảng 6.600 tấn. Các mô hình trồng hoa, cây cảnh đem lại thu nhập khá cho nông hộ với mức 250 - 300 triệu đồng/ha/năm/hộ, tăng gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa.
Cùng với đó, Tam Kỳ chú trọng đào tạo nghề cho 1.781 lao động, xây dựng mới trên 341 nhóm góp vốn quay vòng, tiết kiệm - tín dụng, tín dụng - tiết kiệm với gần 7.000 người tham gia. Nhờ vào đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người của cả thành phố đạt 31,5 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng/người so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm xuống chỉ còn 1,38%.
Trạm Y tế xã Tam Ngọc được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM. Ảnh: QUANG HỒNG |
Mục tiêu của TP.Tam Kỳ đặt ra trong xây dựng NTM là phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành ở 2 xã Tam Thanh và Tam Phú. Đến nay, xã Tam Thanh đã đạt được 15/19 tiêu chí; Tam Phú đạt 13/19 tiêu chí. Bên cạnh chú trọng đầu tư hạ tầng cho 2 xã này, TP.Tam Kỳ cũng đang triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Thành phố đề xuất với UBND tỉnh đưa vào chuỗi giá trị nông sản để tiếp tục tiếp cận các cơ chế hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ hỗ trợ 80% chi phí đi lại cho các nông hộ tham quan học tập ở các địa phương khác; hỗ trợ 100% chi phí về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó hỗ trợ 100% lãi suất cho nông dân vay vốn nuôi gà tập trung với quy mô trên 2.000 con/lứa; hỗ trợ 5 triệu đồng trong 2 năm liền trong thuê đất từ 0,2ha trở lên và hỗ trợ 100 lãi suất vốn vay cho các hộ vay vốn để sản xuất rau sạch, an toàn. “Từ nay đến cuối năm 2018, TP.Tam Kỳ bổ sung và lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cho 2 xã còn lại phấn đấu để đạt chuẩn NTM theo đúng lộ trình đặt ra. Hy vọng các mô hình sản xuất sạch sẽ nâng cao thu nhập của người dân, tiếp tục chuyển biến tích cực cho khu vực nông thôn” - ông Nguyễn Minh Nam nói.
V.QUANG - T.HỒNG