Khởi sắc vùng núi cao

LÊ MỸ - LÊ DIỄM 31/07/2023 08:14

Gắn sắp xếp dân cư với xây dựng nông thôn mới và phát huy tiềm năng từ cây dược liệu, diện mạo huyện Nam Trà My ngày càng khởi sắc, giảm nghèo hiệu quả và thu hút nhiều nguồn lực đầu tư.

Những công trình đang được đầu tư tạo sự đổi thay diện mạo huyện Nam Trà My. Ảnh: Q.L
Những công trình đang được đầu tư tạo sự đổi thay diện mạo huyện Nam Trà My. Ảnh: Q.L

Đưa chúng tôi đi thăm Tăk Chươm - ngôi làng nằm bên kia sông, cách trung tâm hành chính huyện vài nhịp cầu treo, ông Ngô Duy Khánh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 3 (xã Trà Mai) nói, đây là điển hình của công tác sắp xếp dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Dọc đường bê tông đi vào làng, người dân gìn giữ vệ sinh sạch sẽ, cây trái xanh mát. Từ làm đường giao thông đến công trình văn hóa tại Tăk Chươm, người dân đều ủng hộ, tình nguyện hiến đất đai, cây cối. Nhờ đó, ngôi làng từng ngày khang trang, phát triển và đang trở thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm thu hút du khách gần xa.

Ông Nguyễn Đình Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Mai cho hay, với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, đường vào các cụm dân cư trên địa bàn đã được cứng hóa hơn 70%. Năm 2019, xã được công nhận là đô thị loại 5, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của Nam Trà My.

Phát huy thành quả đạt được, thời gian tới xã sẽ lấy việc phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ làm trọng tâm. Trong đó, tập trung bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc gắn với phát huy lợi thế từ thiên nhiên, cảnh quan để phát triển du lịch.

Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, dù là huyện miền núi, nhưng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm hơn 54% trong cơ cấu kinh tế.

Toàn huyện có 530 hộ kinh doanh, 13 hợp tác xã và hơn 100 doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực cung cấp hàng tiêu dùng, chế biến nông sản, dược liệu. Giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ bình quân hàng năm đạt hơn 461,5 tỷ đồng.

Cây sâm Ngọc Linh và dược liệu trở thành cây kinh tế hiệu quả tại Nam Trà My. Ảnh: Q.L
Cây sâm Ngọc Linh và dược liệu trở thành cây kinh tế hiệu quả tại Nam Trà My. Ảnh: Q.L

Ông Dũng cho biết: “Nhờ dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh, đồng bào vùng cao Nam Trà My từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ tỷ lệ hộ nghèo hơn 80% (năm 2003) đến nay còn hơn 40% (theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều)”.

Hiện toàn huyện có 22 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao. Phần lớn sản phẩm OCOP Nam Trà My có nguồn gốc từ các loại dược liệu. Định hướng trong thời gian tới của Nam Trà My vẫn sẽ tập trung phát triển sâm Ngọc Linh, quế Trà My và các loại dược liệu dưới tán rừng.

Đồng thời thu hút doanh nghiệp liên kết, đầu tư, sản xuất sản phẩm chế biến sâu từ dược liệu. Qua đó, đưa dược liệu Nam Trà My phát triển ra các thị trường lớn trong và ngoài nước, ổn định thu nhập cho đồng bào vùng cao.

“Cùng với phát triển cây dược liệu, Nam Trà My sẽ tập trung nguồn lực hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, đầu tư các tuyến đường có tính liên kết vùng cao, khai thông các điểm nghẽn, tạo tiền đề trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư.

Cạnh đó phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ công tác chuyển đổi số, giao dịch điện tử. Đây sẽ là một trong những mũi đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai” - ông Dũng nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi sắc vùng núi cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO