(Xuân Nhâm Dần) - Buổi sáng, nắng trải trên dòng Đế Võng - còn gọi là Để Võng, thuộc khu vực phường Cẩm An, TP.Hội An. Lão ngư thu lú về, đang dùng máy bơm nước xịt rửa. Tiếng nước xô vào lú ràn rạt. Ông lão trầm ngâm lắc đầu, khi được hỏi về chuyện cá tôm: "Làm cho vui, chớ cá tôm mô còn như hồi xưa nữa…".
Nhìn qua ngút tầm mắt, bên tê sông, máy móc đang tấp nập xây cầu, đắp kè, nạo sông… hối hả tăng tốc cho dự án nạo vét, khơi thông dòng Cổ Cò.
Tìm trong chính sử
Ngược dòng lịch sử, sông Cổ Cò dài chừng 30km, chạy dọc bờ biển, nối cửa Đại Chiêm với cửa Hàn. Dấu tích sông còn đó, chắc từ thời cổ đại, nhưng tên tuổi lưu lại trên sách sử thì lâu nhất có lẽ là vào thời Lê Thánh Tông mở cõi về phương Nam cách đây 550 năm - năm 1471.
"Đại Việt sử ký toàn thư" chép, khi xuất cung chinh phạt Chiêm Thành, “vua xem địa đồ nước Chiêm, đổi lại danh hiệu núi sông”, “vua thấy núi sông nước Chiêm có chỗ chưa biết rõ ràng, mới sai thổ tù Thuận Hóa là Nguyễn Vũ vẽ những chỗ hiểm chỗ dễ của núi sông để dâng lên”. Theo đó mà suy thì tên Lộ Cảnh giang - con đường nước nối cửa Hàn với cửa Đại Chiêm, có thể ra đời từ đấy.
Con đường nước ấy, sau này khiến cả người phương Tây lẫn phương Đông đề cập nhiều; bởi đó là thủy lộ giao thương quan trọng giữa hai cửa biển, phục vụ cho thương cảng Hội An sầm uất một thời. "Đại Nam nhất thống chí" ghi rằng “Lộ Cảnh giang - ở vùng cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang: sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía bắc đến phía tây núi Tam Thai nhập với sông Cẩm Lệ”.
Giáo sĩ Cristoforo Borri đến Đà Nẵng năm 1618 và ở lại Đàng Trong đến năm 1622, Hòa thượng Thích Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu mời qua giảng Phật pháp tại Đàng Trong vào năm 1695, hay Le Floch de la Carrière năm 1787… đều để lại những chữ, những nét vẽ… có dáng hình của Lộ Cảnh giang.
Từ việc phân tích những chỉ dấu lịch sử, địa lý đó, nhà nghiên cứu Võ Văn Dật đúc kết trong cuốn “Lịch sử Đà Nẵng, 1306 - 1975”: “Sông Cổ Cò mới đích thực là con đường nước nối liền Đà Nẵng với Hội An”!
Sứ mệnh giao thương
Thời cực thịnh từ khoảng thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, Lộ Cảnh giang chủ yếu phục vụ cho giao thương. Những giá trị kinh tế hai bên bờ sông chưa khai thác được nhiều. Trong gia phả tộc Nguyễn Viết làng Đế Võng có ghi “Tiền hiền Đế Võng cụ Nguyễn Viết, người gốc Nghệ An, đời nhà Lê theo quân lính xuống phía Nam tới Quảng Nam.
Thấy có những con sông chiếm lấy trưng khai làm ruộng nước, dựng cơ đồ vĩnh cửu tại đây, tập trung những cư dân ở đất phù sa lại để lập xã hiệu và dần trở thành làng đã lâu đời rồi vậy. Thời gian này vào giữa những năm của thời Thịnh Đức - Cảnh Trị (1653 - 1671)”.
Qua địa bạ triều Nguyễn, lập ngày 20 tháng 2 năm Gia Long thứ 13 (1814) của xã Đại An/ An Bàng (tục gọi là làng Mây), thuộc tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn (nay là khối An Bàng, phường Cẩm An, Hội An) ghi: Hai mặt Đông và Bắc giáp biển, Tây và Nam giáp sông. Trong số hơn 925 mẫu đất của xã này, có đến hơn 890 mẫu là đất trắng bản xã và đất hoang nhàn.
Nói điều đó để thấy, giá trị của sông Cổ Cò là ở giao thương, như nhà nghiên cứu Võ Văn Dật nhận định: “Thực ra, ngõ Đà Nẵng và con đường nước Cổ Cò chỉ tiện lợi cho thuyền bè đến từ phương Bắc và Đông Bắc (Hoa Nam, Nhật Bản, Phi Luật Tân). Sử dụng lộ trình này thuyền khỏi đi vòng bán đảo Tiên Sa, rút ngắn lộ trình được 1/3, sớm tránh được cảnh sóng to gió lớn có thể xảy ra” (Lịch sử Đà Nẵng, 1306 - 1975).
Khi dòng sông này bị bồi lấp do thiên tai vào những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp cũng từng có ý định khơi thông, nhưng sau đó vì không huy động được nguồn vốn nên từ bỏ.
Để bảo đảm giao thương giữa Đà Nẵng - khi đó mới thành nhượng địa, chưa phát triển và Hội An - vẫn còn là thương cảng sầm uất, vào năm 1905, người Pháp mở đường sắt Đà Nẵng - Hội An theo kiểu Decouville - một dạng đường sắt dễ tháo lắp.
Tuy nhiên, đến năm 1916, tuyến đường sắt này thường xuyên bị cát bồi lấp, khó bảo trì, lại thêm Đà Nẵng đã phát triển, Hội An mất dần vai trò thương cảng quốc tế, nên sứ mệnh giao thương của tuyến đường sắt kết thúc vào năm 1917.
Khai thác dòng chảy văn hóa
Lan man vài dòng sử liệu để thấy rằng, ngày trước, khi đường bộ chưa có, phương tiện vận chuyển thô sơ, thì mới cần đến sông Cổ Cò làm đường giao thương thuận tiện. Nên với điều kiện hiện nay, trong chủ trương nạo vét, khơi thông dòng sông này, những nhà hoạch định chính sách nhìn thấy tiềm năng khác phù hợp với xu thế mới: phục vụ phát triển đô thị và dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, phát triển trên nền tảng nào thì cần phải cân nhắc kỹ càng. Đó là dựa trên nền tảng hạ tầng hay văn hóa? Chẻ nát và băm nhỏ hạ tầng ven sông để tận dụng tối đa từng mét vuông đất theo kiểu “ăn xổi ở thì”, rồi sớm muộn sẽ đưa con sông trở thành những đoạn nước chết giữa lòng đô thị xô bồ; mà bài học nhãn tiền từ những đô thị phát triển từng gặp.
Vì vậy, cần khai thác sông Cổ Cò như một dòng chảy văn hóa, xuyên qua thời gian, kết nối những giá trị lớn lao giữa hai di sản: Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.
Đây cũng là hai biểu tượng văn hóa biểu trưng vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng sau ngày trở thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, cũng cần tính đến việc khai thác giá trị văn hóa một cách khôn ngoan, tinh tế, chứ không phải theo kiểu tận diệt, cạn kiệt; như cách người ta khai thác cá tôm trên dòng Cổ Cò những năm gần đây.
Mùa xuân này, sông Cổ Cò dần nên vóc nên hình, để dòng chảy văn hóa xanh trong khơi thông giữa hai miền xứ Quảng…