Các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực giải ngân nguồn vốn lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Để khơi thông huyết mạch kinh tế, cần hạn chế nợ xấu, tăng chất lượng tín dụng.
ÁM ẢNH NỢ XẤU
Hệ thống tín dụng tại Quảng Nam hiện có nợ xấu là 432 tỷ đồng, trong đó, nợ xấu từ hoạt động của các “tàu 67” chiếm đến gần một nửa (215 tỷ đồng).
Khó quản lý
Trong số 63 tàu cá của ngư dân Quảng Nam được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), đến nay, đã có 20 chủ tàu lâm cảnh nợ xấu. BIDV chi nhánh Quảng Nam “gánh” nợ xấu nhiều nhất, với 16 tàu. Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, 16 chủ tàu không trả được nợ gốc và lãi trong nhiều năm qua, có nhiều chủ tàu sản xuất hiệu quả vẫn chây ỳ trả nợ, phần còn lại chủ yếu là các tàu nằm bờ.
Theo bà Nga, đến nay, đã hơn 5 năm triển khai Nghị định 67, nhiều chủ “tàu 67” vẫn “cố tình” không hiểu rõ bản chất của chính sách là các ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng tàu, Nhà nước cấp bù lãi suất vốn vay của ngư dân chứ không phải ngư dân được tặng tàu mà không chịu trả nợ. “Công tác tuyên truyền, vận động ngư dân nghiêm túc trả nợ và bảo quản tài sản đảm bảo vốn vay là con tàu đã không cho thấy hiệu quả. Ngư dân cố tình chây ỳ trả nợ thì dù phía ngân hàng có nỗ lực đến mấy cũng không hiệu quả, dẫn đến nợ xấu triền miên không thể giải quyết” - bà Nga nói.
Các ngân hàng khác như BIDV chi nhánh Hội An, Agribank chi nhánh Quảng Nam, VietinBank chi nhánh Quảng Nam đều có các chủ “tàu 67” lâm vào nợ xấu. Các ngân hàng cho biết, ngư dân có thể bán hải sản đánh bắt được ngay trên biển chứ không nhất thiết phải về bờ. Bởi vậy, ngân hàng không thể nào giám sát được dòng tiền của họ. Do đó, nhiều chủ tàu dù khai thác hải sản hiệu quả nhưng vẫn cho rằng không đủ tiền để trả nợ ngân hàng khi đến hạn.
Theo Agribank chi nhánh Quảng Nam, việc theo dõi hoạt động khai thác hải sản, nắm bắt doanh thu của chủ “tàu 67”, đôn đốc ngư dân trả nợ chỉ được thực hiện từ phía ngân hàng mà không có sự nỗ lực của chính quyền, các hội, đoàn thể cấp huyện, xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh là bất cập nhưng đã không được chấn chỉnh trong thời gian dài.
Xử lý nghiêm
Bà Vũ Thị Tố Nga cho biết, phía ngân hàng đang hoàn thiện các thủ tục để khởi kiện các chủ tàu sản xuất đạt nhưng vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đây là việc chẳng đặng đừng, khởi kiện để thức tỉnh ý thức trả nợ ngân hàng của ngư dân, còn nếu ngư dân vẫn chây ỳ thì phát mãi tài sản bảo đảm là con tàu để thu hồi nợ.
Trao đổi với chúng tôi về điều này, nhiều chủ “tàu 67” cho biết, ngư dân không trả nợ đúng kỳ hạn là sai. Tuy nhiên, tàu làm ăn có lãi thì mới trả được nợ chứ sản xuất thua lỗ, thất bát thì làm sao có vốn để trả nợ ngân hàng. Ngay cả nhà cửa, ngư dân cũng đã thế chấp rồi, ngân hàng đừng đưa họ đến đường cùng vì nếu bị thu giữ tàu, sẽ không còn sinh kế, bế tắc hoàn toàn.
“Con tàu vỏ thép khi đóng mới được thiết kế thiếu khoa học, cứ tròng trành, không thể sản xuất trong điều kiện có gió cấp 4 là có lỗi của các cơ quan chức năng thiết kế và phê duyệt thiết kế. Nghề lưới rê được các cơ quan chức năng khuyến khích nhưng bất cập, chúng tôi đâu còn vốn để đổi nghề mà chỉ kỳ vọng sản xuất đạt mà trả nợ ngân hàng” - ngư dân Phan Thu (xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ “tàu 67” QNa-95997 nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, trong trường hợp các ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng “tàu 67” đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ nhưng khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, buộc phải khởi kiện ra tòa là đúng quy định của pháp luật.
“Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện tối đa cũng như có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho khách hàng khi họ gặp phải rủi ro bất khả kháng. Còn đối với trường hợp cố tình chây ỳ không trả nợ, hoặc cố ý phá hoại tài sản thế chấp là con tàu thì cần phải xử lý nghiêm, trong đó khởi kiện ra tòa là một hình thức văn minh” - ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, chính sách ngân hàng cho ngư dân vay vốn đóng “tàu 67” là “phao cứu sinh” giúp những ngư dân thực sự muốn vươn ra biển lớn nhưng hạn chế về nguồn lực cũng như cụ thể hóa Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên, cần đánh giá lại cụ thể để tháo gỡ kịp thời những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện, qua đó giảm thiểu hệ lụy nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến ngành ngân hàng và cả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển, ngư dân tìm cách khai thác hải sản hiệu quả, tăng thu nhập, trả nợ ngân hàng. Đối với các chủ “tàu 67” thiếu hợp tác, không chịu trả nợ thì khởi kiện ra tòa để xử lý nghiêm theo quy định.
ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp thiết thực, giảm dần nợ xấu, giải ngân vốn vay...
Hạn chế nợ xấu
Tổng dư nợ đến nay của Phòng Giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ là 1.100 tỷ đồng dù mới chỉ hoạt động từ hơn một năm nay, đồng thời chưa phát sinh nợ xấu.
Ông Đỗ Văn Bảng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ cho biết, chưa phát sinh nợ xấu đến thời điểm này là hiệu quả từ việc ngân hàng áp dụng nhiều giải pháp. Trước hết là yếu tố đầu vào, phải kiểm tra, kiểm soát thật kỹ năng lực tài chính của các chủ thể vay vốn, nhất là lịch sử tín dụng chưa xảy ra nợ xấu trước đây. Nguồn thu nhập của chủ thể vay vốn phải ổn định, tài sản thế chấp phải đảm bảo giá trị.
“Chúng tôi rất thận trọng trong xét duyệt hồ sơ vay vốn. Khi đã giải ngân vốn thì yếu tố quản trị rủi ro đặt lên hàng đầu. Cán bộ ngân hàng không thể lơ là trong quản lý nguồn vốn vay còn hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại hỗ trợ đắc lực” - ông Đỗ Văn Bảng nói.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, sẽ triển khai nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Ông Trần Quang Hổ thông tin, rất đáng mừng là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại cổ phần trong hay ngoài quốc doanh đều tăng nợ xấu trong thời gian qua thì tại Quảng Nam diễn biến rất tích cực. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại ở mức 432 tỷ đồng, đều là nợ cũ, không phát sinh nợ xấu mới. Đáng nói, nợ xấu giảm nhanh với mức 23% so với đầu năm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đề nghị các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng tín dụng, xem xét lại cơ cấu tín dụng và cần có chế độ tự kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ nhất là với lĩnh vực rủi ro lớn như bất động sản.
Theo ông Trần Quang Hổ, các giải pháp Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu hệ thống ngân hàng Nhà nước trên toàn quốc triển khai trong thời gian đến là rất thiết thực. Theo đó, sẽ khẩn trương xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, yêu cầu thanh tra tài chính phải có chế độ báo cáo và xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm. Mục đích rất rõ ràng là không phát sinh nợ xấu mới, nếu xử lý 1 đồng mà phát sinh 2 đồng thì không bao giờ đạt mục tiêu.
Tạo cú hích
Ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho biết, 2 nhiệm vụ quan trọng ngân hàng đã thực tốt trong thời gian gần đây là hạn chế nợ xấu và đẩy mạnh đưa vốn ra thị trường để khơi thông huyết mạch kinh tế, tạo cú hích lớn phát triển, nhất là các vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn. Ngành ngân hàng rất kỳ vọng, các doanh nghiệp không may gặp phải nợ xấu như Công ty CP Sản xuất Sô đa Chu Lai sẽ hoạt động tốt trong thời gian đến, có nguồn thu trả nợ ngân hàng đồng thời giải quyết nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điển hình, Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước hơn 30 năm qua đã đặc biệt quan tâm, gắn bó, đồng hành với bà con nông dân. Các vườn cây lòn bon, bưởi, thanh tra, tiêu, quế... ở khu vực miền núi này hầu hết bắt đầu từ nguồn vốn vay của đơn vị này. Tính đến cuối tháng 10, dư nợ cho vay của đơn vị này đạt 443 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn khơi thông huyết mạch kinh tế trên địa bàn.
“Chúng tôi ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tài chính, đem đến sự hài lòng, tin yêu của bà con nông dân đồng thời góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo thuận lợi để người dân vươn lên làm giàu” - ông Phạm Đức Dũng - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước nói.
Tại TP.Tam Kỳ, Phòng Giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam cùng với các tổ chức tín dụng áp dụng nhiều gói tín dụng ưu đãi đến khách hàng là các doanh nghiệp vừa, nhỏ, các tiểu thương buôn bán ở các chợ. Bà Đỗ Thị Thuyên (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) - tiểu thương buôn bán các mặt hàng thực phẩm ở chợ Thương mại Tam Kỳ cho biết, do phải bắt buộc trích nguồn vốn tích lũy bấy lâu nay cho việc chăm sóc sức khỏe 1 thành viên trong gia đình nên thiếu hụt vốn đầu tư buôn bán.
Chị Thuyên đã liên hệ với Phòng Giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam, tiếp cận gói vốn vay ưu đãi là “vay tiền phát lộc” với lãi suất vốn vay thấp so với mặt bằng để đầu tư phát triển kinh tế. “Tôi rất yên tâm khi vay được nguồn vốn khá lớn để đầu tư buôn bán các mặt hàng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán” - chị Thuyên nói.
Ông Đỗ Văn Bảng thì cho biết: “Ngân hàng thương mại tồn tại nhờ vào khách hàng. Khách hàng thịnh vượng thì ngân hàng càng dồi dào “sức khỏe”. Bởi vậy, chúng tôi ưu tiên chất lượng tín dụng, giải ngân nguồn vốn lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”.
CẦU NỐI THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG
Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam đang áp dụng đồng bộ các giải pháp để giảm nợ xấu, xoay vòng nguồn vốn giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Thực hiện hiện chức năng đặc thù, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đến hết tháng 10.2019 đạt hơn 4.568 tỷ đồng với hơn 162 nghìn khách hàng có dư nợ, tạo điều kiện cho hơn 2.745 lao động có việc làm, hơn 300 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập và hơn 952 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng. Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Trung ương đánh giá, Quảng Nam là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chất lượng tín dụng CSXH khi toàn tỉnh đã và đang triển khai gần 20 chương trình tín dụng CSXH còn dư nợ.
Nhiều cách làm hay đã được cán bộ ngân hàng áp dụng. Anh Nguyễn Văn Lượng - Tổ trưởng Tổ vay vốn & tiết kiệm thôn 2, xã Trà Linh (Nam Trà My) với 32 hộ dân tham gia cho biết, để giảm nợ xấu thì nhất thiết phải quản lý vốn vay của các hộ dân hài hòa giữa tình và lý. Cụ thể, hằng năm, đều tổ chức họp các hộ dân, không những bàn về việc trả nợ gốc, lãi mà còn hướng dẫn cách trồng sâm, cách chăm sóc sâm thật khoa học. Hộ dân nào sản xuất tốt, cuối năm được thưởng 200 cây sâm giống, hộ nào sản xuất không tốt sẽ phải giảm thưởng.
“Nếu cho tiền thì bà con sẽ tiêu pha hết còn cho cây sâm giống cùng với kỹ thuật chăm sóc tốt thì chắc chắn họ sẽ thoát nghèo nhanh, vươn lên làm giàu. Trong những buổi sinh hoạt tổ, tôi còn mời thêm cả vợ chồng và các con trong gia đình cùng tham gia để nghe và giao lưu với các thành viên trong nhóm. Nhờ cách quản lý này mà các hộ dân trong tổ ngày càng gắn bó hơn. Đến nay đã có 32 hộ dân thoát nghèo bền vững còn nguồn vốn vay thì luôn được quay vòng, tạo thêm điều kiện để hộ nghèo khác tiếp cận, thoát nghèo bền vững” - anh Lượng nói.
Nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được Ngân hàng CSXH kiểm soát, tuy nhiên, số hộ vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú ngày càng nhiều khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, để giải quyết thực trạng này, thu hồi lại nguồn vốn, hệ thống ngân hàng từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tìm kiếm, động viên họ quay về, sản xuất hiệu quả, trả nợ vốn ngân hàng, làm giàu thêm nguồn vốn để các gia đình CSXH đều được tiếp cận.
“Chúng tôi kêu gọi các cấp chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn, hạn chế thấp nhất các trường hợp khách hàng còn dư nợ bỏ đi khỏi nơi cư trú cũng như tích cực xác minh địa chỉ hộ vay để thu hồi vốn vay. Công tác kiểm tra, giám sát cần kịp thời, hạn chế tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” - ông Nguyễn Quang Dinh nói.
“BÀ ĐỠ” CỦA NÔNG DÂN
Quảng Nam hiện có 3 quỹ tín dụng nhân dân (TDND) ở thị xã Điện Bàn đều hoạt động hiệu quả, thủ tục đơn giản, giải ngân vốn vay kịp thời, giúp nông dân làm ăn hiệu quả.
Từ chỗ có 28 thành viên sáng lập với nguồn vốn 1 tỷ đồng, đến nay, sau 10 năm hoạt động, Quỹ TDND Gò Nổi (3 xã Điện Phong, Điện Quang và Điện Trung) đã có 1.564 thành viên với nguồn vốn 70 tỷ đồng. Hằng năm, quỹ tín dụng này có hơn 500 lượt khách hàng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, xây nhà ở, chữa bệnh; hoạt động như một ngân hàng chính sách xã hội. “Không có nợ xấu, bởi mình đối nhân xử thế thế nào thì bà con nông dân hồn hậu sẽ đáp lại với mình như thế” - ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Gò Nổi nói.
Vai trò khơi thông huyết mạch kinh tế hộ của quỹ tín dụng này nằm ở chỗ, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giúp đỡ các nông hộ nghèo tiếp cận vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang để đầu tư hiệu quả các mô hình kinh tế. Bởi vậy, ở Gò Nổi, việc cơ giới hóa đồng ruộng, tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa rất nổi bật. Các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt cũng thành công lớn. Hệ quả là người nông dân nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quỹ TDND Tây Điện Bàn được thành lập từ năm 1993 có 26 thành viên sáng lập với nguồn vốn ban đầu ít ỏi là 73,3 triệu đồng. Quỹ được lập để thu hút tiền gửi và cho vay đối với mọi tầng lớp nhân dân kèm theo nhu cầu thế chấp tài sản. Quỹ hoạt động dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, lãi suất tiền gửi và vốn vay linh hoạt hơn so với các ngân hàng. Nhờ áp dụng những giải pháp như giải quyết nhanh gọn hồ sơ, thủ tục cũng như thường xuyên tuyên truyền, vận động tại các tổ, thôn, xóm về những chủ trương, chính sách hoạt động của quỹ nên người dân hưởng ứng.
Hiện tại, 5 xã phía tây của Điện Bàn là Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện An và Điện Tiến đều đã có phòng giao dịch của quỹ. Tính đến nay, nguồn vốn của quỹ xấp xỉ 100 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hàng nghìn hộ dân mỗi năm. Nhiều nông hộ nhờ tiếp cận được nguồn vốn nhanh chóng, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi hiệu quả nên đã gọi quỹ là “bà đỡ” của nông dân.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, ngoài 2 quỹ TDND kể trên, Quỹ TDND Điện Dương (Điện Bàn) cũng hoạt động hiệu quả. Vai trò của các quỹ TDND biểu hiện rõ rệt ở chỗ góp phần tích cực trong giảm nghèo bền vững, hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn, thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch kinh tế nông thôn. “Để các quỹ TDND hoạt động hiệu quả hơn nữa thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được thực hiện chặt chẽ” - ông Trần Quang Hổ nói.