Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện 5 nhóm dự án lớn, bên cạnh các kết quả, các huyện vùng Tây còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc... Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận nhiều ý kiến trăn trở và đề xuất những giải pháp thực hiện tốt các chỉ tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
>> Nửa nhiệm kỳ thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng tại vùng Tây: Cần gỡ khó, tạo sức bật
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY LÊ VĂN DŨNG - PHÓ TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG TÂY: QUYẾT LIỆT HƠN TRONG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT
Luôn tập trung chăm lo phát triển miền núi, nhiệm kỳ nào cũng vậy, Tỉnh ủy đều bàn và ban hành nghị quyết tập trung phát triển vùng Tây của tỉnh, để cho đồng bào thiểu số miền núi có điều kiện phát triển tốt hơn.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy (khóa XXII), về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đã đạt được một số kết quả cơ bản tốt.
Trong đó, tập trung nhiều nhất ở việc sắp xếp dân cư, xóa nhà tạm, giải quyết đất sản xuất, đất ở cho người dân miền núi. Sau thiệt hại nặng nề của bão lũ cuối năm 2020, nhiều huyện thực hiện tốt việc sắp xếp dân như: Tây Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông và đến nay, các tuyến giao thông lên miền núi gần như thông suốt 4 mùa. Việc đi lại, giao thương được thuận lợi góp phần thúc đẩy phát kinh tế - xã hội, đưa công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 12 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Đời sống của bà con miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là ở 6 huyện miền núi cao. Tỷ lệ hộ nghèo các huyện này còn cao.
Chính vì thế, nửa nhiệm kỳ còn lại, Tỉnh ủy sẽ quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 12 và các nghị quyết của HĐND tỉnh. Với nỗ lực tập trung nguồn lực đầu tư, nhằm tiếp tục tạo chuyển biến về cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Trong đó, ưu tiên nhiệm vụ sắp xếp dân cư, xóa nhà tạm và quyết tâm phải xóa được 577 nhà tạm của người dân thuộc 14 xã biên giới có điều kiện khó khăn nhất của tỉnh; để người dân an cư lạc nghiệp. Chúng ta phải giải quyết căn cơ về chỗ ở, đất sản xuất, đất sinh hoạt thì mới đảm bảo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống người dân miền núi.
Thời gian qua, mới có một số địa phương như Đông Giang, Bắc Trà My thu hút được một số dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, công nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả chưa lớn, chưa tạo sự thay đổi một cách căn bản về phương thức sản xuất của bà con, giải quyết lao động ở miền núi hiện nay.
Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy (khóa XXII) gắn với lồng ghép hiệu quả nguồn lực đầu tư từ Nghị quyết 88 của Quốc hội về triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong đó, cần thực hiện tốt chủ trương thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào miền núi với những cơ chế đặc thù, đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội, nâng chất lượng cuộc sống của đồng bào miền núi, vùng căn cứ địa cách mạng, phên giậu của Tổ quốc. NGUYÊN ĐOAN (ghi)
BÀ NGUYỄN THỊ TUYẾT THANH - BÍ THƯ HUYỆN ỦY BẮC TRÀ MY: TẬN DỤNG VÀ LỒNG GHÉP MỌI NGUỒN LỰC
Qua nửa nhiệm kỳ (2021 - 2023) thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng, Bắc Trà My đã đạt và vượt 13/17 chỉ tiêu, có 4 chỉ tiêu chưa đạt gồm 3 chỉ tiêu về y tế và 1 chỉ tiêu về môi trường. Một số nhiệm vụ trọng tâm đạt kết quả khả quan, như có 196 công trình được cân đối vốn đầu tư, với tổng mức 1.295 tỷ đồng (riêng 3 chương trình mục tiêu quốc gia có 125 công trình, tổng mức 675 tỷ đồng). Có 142 công trình được đầu tư mới, tổng mức 920 tỷ đồng.
Sự đầu tư tổng lực, sự đồng thuận trong nhân dân đã tạo cơ sở phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phải nỗ lực thực hiện trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Đặc thù huyện miền núi, giao thông không thuận lợi nên việc đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đầu tư chưa được đồng bộ từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến trung tâm một số xã nên gây khó khăn trong việc thu hút doanh nghiệp để phát triển các lợi thế của địa phương.
Việc đầu tư một số công trình mang tính bức thiết chậm được triển khai hoặc thời gian đầu tư quá dài như công trình nhà máy nước sạch, nhà máy xử lý rác thải, đường ĐH8.
Thiết nghĩ, nguồn lực Nhà nước đầu tư vùng dân tộc thiểu số và các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia được bố trí cho các huyện miền núi cần được thực hiện đảm bảo.
Hiện tại nguồn lực đầu tư thường về chậm, nên kéo theo sự chậm trễ của một số nhiệm vụ trọng tâm. Huyện miền núi dựa vào nguồn của Trung ương, tỉnh là chủ yếu, nên các nhiệm vụ khác muốn thực hiện đạt đều dựa vào nguồn lực đầu tư từ cấp trên. LÊ DIỄM (ghi)
ÔNG TRẦN DUY DŨNG - CHỦ TỊCH UBND HUYỆN NAM TRÀ MY: ĐƯỢC ĐẦU TƯ NHIỀU NHƯNG VẪN CÒN KHÓ
Thời gian qua, Nam Trà My đã tập trung triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nhiều dự án, công trình đã được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng trung tâm huyện phát triển nhanh, bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi rõ nét.
Đặc biệt, đã tập trung vào một số tuyến đường trọng yếu, có tính liên kết vùng cao. Tập trung nguồn vốn chỉnh trang, xây dựng khu trung tâm hành chính huyện đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại V.
Trong 3 năm qua, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đạt hơn 1.026 tỷ đồng. Huyện đã triển khai thực hiện các nghị quyết của tỉnh, tập trung phát triển cây dược liệu, trồng mới 63,3ha sâm Ngọc Linh, 162,8ha cây dược liệu khác...
Nam Trà My hiện tại vẫn là huyện nghèo của tỉnh, nhiều khó khăn như hạ tầng giao thông từ tỉnh đến huyện. Tuyến đường 40B nhỏ hẹp, xuống cấp liên tục, việc đi lại, giao thương rất khó khăn, vào mùa mưa lũ thì cách trở. Giao thông từ huyện đến trung tâm các xã dù đã được đầu tư nhưng xuống cấp, hư hỏng nhiều.
Việc sắp xếp dân cư cho nhân dân dù đã làm được nhiều khu dân cư mới ổn định, nhưng số người dân cần di dời còn lại vẫn rất cao và cần nguồn lực đầu tư sớm.
Bởi việc đầu tư một khu dân cư mới là phải dựa vào nhân dân, họ sinh sống ở nơi đâu thuận lợi về đất đai, điều kiện phát triển chăn nuôi hay trồng trọt, chống được sạt lở. Nhưng những nơi ổn định như thế cho một khu dân cư ở miền núi không nhiều. Khi nhân dân an cư thì mới tính đến chuyện tạo sinh kế, phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo. NHẬT LINH (ghi)
ÔNG NGUYỄN VĂN NAM - CHỦ TỊCH UBND HUYỆN HIỆP ĐỨC: CẦN NGUỒN LỰC LỚN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG
Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12, UBND huyện Hiệp Đức nhanh chóng tham mưu Huyện ủy xây dựng và ban hành Chương trình số 12 (ngày 20/9/2021) về thực hiện Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy.
Qua gần 2 năm triển khai, địa phương đạt được một số kết quả quan trọng. Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện được giao khoán quản lý, bảo vệ là gần 8.662ha với tổng kinh phí giao khoán hơn 3,2 tỷ đồng.
Đồng thời tiến hành hỗ trợ hơn 2,4 tỷ đồng cho 78 hộ dân thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn với diện tích gần 377ha. Đến nay, tổng diện tích rừng gỗ lớn được cấp chứng nhận FSC trên toàn huyện là 2.312ha.
Gần 2 năm qua huyện tiếp tục di dời 48 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn theo hình thức xen ghép với kinh phí hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng. Số hộ dân trên tập trung chủ yếu ở các xã Hiệp Hòa, Phước Gia, Sông Trà, Thăng Phước, Phước Trà. Hiện nay, huyện cũng đang xây dựng 1 khu tái định cư tại thôn Trà Nhan thuộc xã Phước Trà để bố trí, sắp xếp 32 hộ dân với kinh phí đầu tư xấp xỉ 1,9 tỷ đồng.
Những năm qua huyện tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hiệp Đức đầu tư hơn 536 tỷ đồng để xây dựng mới 204 công trình ở hầu hết địa phương.
Trong đó, có một số công trình có quy mô lớn, mang tính đột phá, liên kết phát triển vùng tại thị trấn Tân Bình và 3 xã về đích nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là Quế Lưu, Sông Trà, Thăng Phước. Qua đó, tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hình thành nhiều làng quê kiểu mẫu.
Điểm sáng là nhóm dự án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng cũng chuyển biến mạnh mẽ. Trong 2 năm qua, huyện tiếp tục hỗ trợ gần 1,1 tỷ đồng cho 80 hộ dân trên địa bàn thị trấn Tân Bình và các xã Sông Trà, Quế Lưu, Hiệp Thuận, Bình Lâm, Quế Thọ, Bình Sơn, Thăng Phước, Hiệp Hòa, Phước Gia phát triển mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại theo cơ chế Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 29 của HĐND huyện. Đến nay, toàn huyện đã có 112 khu vườn cho giá trị thu nhập hằng năm từ 30 triệu đồng trở lên.
Thời gian qua, huyện cũng đã chi hơn 850 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể thực hiện chương trình OCOP. Đến nay, Hiệp Đức đã có 7 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP. Huyện còn đầu tư hơn 5,4 tỷ đồng phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao...
Trong quá trình thực hiện, Hiệp Đức gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Diện tích rừng tự nhiên chủ yếu nằm xa khu dân cư, địa hình dốc, đi lại không thuận lợi nên khó khăn trong công tác tuần tra, quản lý và bảo vệ.
Tình trạng lấn chiếm đất rừng để trồng cây nguyên liệu còn xảy ra. Quỹ đất để bố trí, sắp xếp dân cư gặp khó khăn. Đa số đất đều có chủ, muốn tạo quỹ đất phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đền bù cho nhân dân. Đáng chú ý, đa số hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai đều có nhà cửa kiên cố, chuồng trại và đất sản xuất nhiều nên không muốn bỏ nơi ở cũ đến nơi ở mới...
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Hiệp Đức mong tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng. Đáng chú ý, huyện có thị trấn Tân Bình mới được sáp nhập từ 2 đơn vị hành chính là xã Quế Bình và thị trấn Tân An nên đề nghị tỉnh hằng năm bố trí kinh phí riêng (ngoài nguồn xây dựng cơ bản tập trung) để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của thị trấn Tân Bình gắn với quy hoạch vùng huyện Hiệp Đức đến năm 2030 và quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh để Tân Bình sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào năm 2025. Trong đó, cần đầu tư hệ thống nước sạch tại thị trấn Tân Bình để bảo đảm nguồn nước phục vụ nhân dân... VĂN SỰ (thực hiện)
ÔNG BHLING MIA - BÍ THƯ HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH HĐND HUYỆN TÂY GIANG: CẦN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG BIÊN GIỚI
Phải nói rằng, Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là một chủ trương lớn, rất được kỳ vọng và phù hợp với tiến trình phát triển vùng Tây của tỉnh.
Bằng các nhóm dự án động lực, đã tác động mạnh mẽ đến công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định dân cư, hạ tầng giao thông… giúp miền núi ngày càng được đầu tư bài bản hơn.
Tại Tây Giang, kể từ khi các nhóm dự án động lực được triển khai, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo sự lan tỏa trong nhận thức của đồng bào miền núi, chúng tôi chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch theo từng lộ trình, đảm bảo mục tiêu và nguồn lực tại chỗ nhằm phát huy vai trò, hiệu quả triển khai các nội dung của nghị quyết.
Từ việc bám sát mục tiêu này, các nhóm dự án về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã từng bước có chuyển biến, cơ bản đáp ứng phục vụ nhu cầu đi lại, tạo sự kết nối giữa các vùng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Trên cơ sở huy động các nguồn lực, Tây Giang cơ bản hoàn thành việc bố trí, sắp xếp dân cư giai đoạn đầu, với hơn 120 điểm tái định cư được triển khai giúp ổn định cho hơn 5.000 hộ đồng bào sinh sống, gắn với công tác phòng chống thiên tai.
Riêng nhóm dự án về phát triển bảo vệ rừng gắn với phát triển dược liệu dưới tán rừng đang tạo ra cơ hội giải quyết việc làm, giúp người dân khai thác tối đa và hợp lý tiềm năng đất rừng và kinh tế rừng, góp phần nâng cao thu nhập và nâng độ che phủ rừng đạt hơn 74%.
Thời gian tới, cùng với tập trung rà soát và bổ sung định hướng quy hoạch chiến lược tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội, cần đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông dọc tuyến biên giới giúp kết nối giao thông giữa 14 xã biên giới của hai huyện Tây Giang và Nam Giang, đồng thời tạo quỹ đất bố trí dân cư, giúp kiểm soát khu vực biên giới gắn với phát triển sinh kế bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cần đầu tư tập trung thiết chế văn hóa và công tác bảo tồn các giá trị văn hóa; kiến nghị Trung ương khẩn trương xúc tiến đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm, giúp phát triển kinh tế, ổn định quốc phòng an ninh khu vực biên giới…ALĂNG NGƯỚC (ghi)
ÔNG LALIM HẬU - PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH HĐND HUYỆN NAM GIANG: CẦN CÓ THÊM NGUỒN LỰC
Nam Giang đạt những kết quả khả quan trong triển khai thực hiện các nhóm dự án động lực theo Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian qua, nhiều chương trình, dự án được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi, đặc biệt là sinh kế và ổn định chỗ ở, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống nông thôn miền núi.
Dấu ấn mang lại từ chủ trương lớn của tỉnh, cụ thể là Nghị quyết 05 trước đây và tiếp đó là Nghị quyết 12, ngoài nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng chặt chẽ, giúp người dân nhận thức đúng đắn vai trò và trách nhiệm của bản thân trong nhiệm vụ bảo vệ rừng. Không chỉ được hưởng lợi từ các chính sách bảo vệ rừng cộng đồng, người dân có thêm cơ hội tiếp cận sinh kế, phát triển dược liệu dưới tán rừng một cách hiệu quả.
Nửa nhiệm kỳ qua, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản phát triển kết cấu hạ tầng của Nam Giang hơn 632 tỷ đồng. Bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và huyện, Nam Giang thực hiện lồng ghép đầu tư xây dựng hạ tầng ngày càng đồng bộ về giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nước sạch, trường lớp học, trạm y tế, điện và thiết chế văn hóa thể thao, các công trình dân sinh… thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 3 năm từ 2020 đến 2022 đã trồng được 1.036 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,61%, trên mức bình quân của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2022 đạt 2.140 tỷ đồng/năm, tăng bình quân hằng năm là 42,3% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra từ 10 - 15%).
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo có chiều hướng giảm mạnh (giảm 16,95%), tương ứng giảm 1.134 hộ nghèo.
Để hoàn thành các chỉ tiêu cuối kỳ, theo tôi, tỉnh cần tập trung nguồn lực nhằm hỗ trợ các địa phương miền núi triển khai hiệu quả hơn các nhóm dự án động lực này. Miền núi gần như phụ thuộc vào nguồn vốn cấp trên, nên tỉnh cần khơi thông nguồn, hỗ trợ địa phương triển khai đầu tư các chương trình mục tiêu, dự án lớn.
Cần xây dựng thêm các phương án hợp lý, cân bằng để người dân hưởng lợi nhiều hơn từ rừng, các chính sách hỗ trợ về quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo đời sống về kinh tế từ rừng. Người đồng bào các dân tộc vùng Tây phải làm giàu bền vững từ chính lợi thế của vùng. Ngoài ra, chú trọng hơn nữa các nguồn vốn hỗ trợ về sắp xếp dân cư, nhất là về nhà ở gắn với phát triển sản xuất, từng bước giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập thời gian tới... ĐĂNG NGUYÊN (ghi)