Khơi thông vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn

VIỆT NGUYỄN 20/10/2022 06:40

Vượt qua những “rào cản” về thiên tai, dịch bệnh, các tổ chức tín dụng đưa vốn về nông thôn, giúp nông dân, doanh nghiệp có nguồn lực để phát triển kinh tế.

Từ vốn vay của Agribank Hương An, hộ ông Đặng Ngọc Trung liên kết nuôi heo hiệu quả thu được gia trị kinh tế lớn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Từ vốn vay của Agribank Hương An, hộ ông Đặng Ngọc Trung liên kết nuôi heo hiệu quả thu được gia trị kinh tế lớn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Động lực từ vốn

Ông Lê Văn Nguyên - Giám đốc Agribank chi nhánh Hương An (Quế Sơn) cho rằng, nếu xem nông nghiệp rủi ro, bấp bênh do thiên tai, dịch bệnh, “được mùa, mất giá” thì rất khó làm kinh tế. Vì vậy ngân hàng cần tìm những giải pháp phù hợp.

Khi thẩm định phương án chăn nuôi heo của hộ ông Đặng Ngọc Trung (thôn An Xuân, xã Quế Mỹ, Quế Sơn), nhận thấy khả thi, ngân hàng đã cho vay 2 tỷ đồng để nông hộ đầu tư chuồng trại, liên kết với Công ty C.P nuôi 800 con heo thương phẩm. Doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, ông Trung áp dụng đúng quy trình chăn nuôi heo VietGAP.

“Mỗi năm, chúng tôi nuôi heo và xuất bán 2 lần, có nguồn thu nhập khá. Nhờ chú trọng vệ sinh thú y, tiêm phòng định kỳ, khống chế dịch bệnh nên chăn nuôi đạt hiệu quả” - ông Trung nói.

Hơn 25 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp, nông thôn

Cho vay trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến ngày 30.9 trên địa bàn tỉnh là 25,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,37% so với đầu năm, chiếm 27,7% tỷ trọng cho vay.

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói, cho vay nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng thương mại cần cân đối nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thực hiện tốt cho vay tín chấp, hướng dẫn khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Thời gian qua Agribank chi nhánh Hương An đã tinh giản thủ tục, khẩn trương thẩm định phương án kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vốn vay làm ăn.

Nhiều năm qua, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Sơn Sáu Sang (Cụm công nghiệp Quế Cường, Quế Sơn) đã vay hàng chục tỷ đồng của Agribank chi nhánh Hương An để đầu tư sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng…

Ông Cao Trường Sơn - Giám đốc công ty cho biết, nhờ vay vốn của ngân hàng nên đã đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hệ thống dây chuyền công nghệ mới, sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

“Thời điểm dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn 2 năm, ngân hàng đã luôn đồng hành, tiếp sức chúng tôi, giảm 10% tiền lãi phải trả. Bước qua thời điểm khó khăn, chúng tôi khôi phục sản xuất, kinh doanh, khẳng định vị thế, có chỗ đứng vững chắc trên thương trường” - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Đình Khánh - Giám đốc LienVietPostBank Quảng Nam cho biết, nhận thấy sự “màu mỡ” của địa hạt nông nghiệp, nông thôn nên ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Quảng Nam triển khai các chương trình cho vay tín chấp với dư nợ 150 tỷ đồng trong hơn 1 năm qua. Hầu hết các nông hộ, doanh nghiệp vay vốn trả nợ định kỳ đúng hạn, chất lượng tín dụng đảm bảo.

Hướng đi riêng

Theo ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank Quảng Nam, gắn bó với nông nghiệp, nông thôn là lựa chọn, hướng đi riêng của đơn vị. Trong khi nhiều tổ chức tín dụng “bám trụ” ở thành phố thì Agribank nỗ lực đa dạng hóa các kênh dẫn vốn để đưa dịch vụ ngân hàng đến vùng sâu, vùng xa.

Người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Giang đã được tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo an toàn tài sản khi tiếp cận các dịch vụ của Agribank qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Với cách dẫn vốn lưu động, nông dân thay vì phải đến trụ sở ngân hàng để vay vốn như trước đây thì được đưa vốn đến tận tay.

Nhờ vốn vay của ngân hàng, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Sơn Sáu Sang đã đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hệ thống dây chuyền công nghệ mới, sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhờ vốn vay của ngân hàng, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Sơn Sáu Sang đã đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hệ thống dây chuyền công nghệ mới, sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đến nay, dư nợ của Agribank Quảng Nam ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là gần 11 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng dư nợ.

Ông Hà Thạch khẳng định, ngân hàng tiếp tục giữ ưu tiên địa hạt nông nghiệp, nông thôn, chỉ đạo các chi nhánh triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân, doanh nghiệp, nhất là kịp thời tháo gỡ khó khăn nếu phát sinh.

Cách làm của Agribank Quảng Nam là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục, cung ứng các sản phẩm tiện tích mới để chú trọng cho vay sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Đình Khánh cho rằng, cho vay nông nghiệp, nông thôn có ưu thế nhờ tính chất sản xuất, kinh doanh linh hoạt, thích nghi nhanh với biến động thị trường. LienVietPostBank Quảng Nam hiện có 11 phòng giao dịch ở các địa bàn nên thuận tiện cho vay.

Nhờ sự phối hợp của Hội Nông dân Quảng Nam nên các tổ vay vốn triển khai thuận lợi, tổ trưởng quán xuyến từ cơ sở, đề xuất ngân hàng cho vay, cán bộ tín dụng đến tận nhà thẩm định phương án vay vốn, rồi giải ngân, đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng đã thành lập 102 tổ vay vốn, là cánh tay nối dài của ngân hàng nên công tác thu nợ, thu lãi của 1.858 khách hàng được thông suốt. “Cho vay nông nghiệp, nông thôn là định hướng của LienVietPostBank. Dư địa cho vay chưa được khai phá hết nên chúng tôi tiếp tục hành trình” - ông Khánh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khơi thông vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO