Tại diễn đàn đối thoại về tiếp cận tín dụng trong nông nghiệp được UBND tỉnh tổ chức hôm qua (2.8), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai thông suốt các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Người dân rất cần vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Khó tiếp cận vốn
Nhiều hợp tác xã (HTX), chủ trang trại trên địa bàn tỉnh cho rằng, rất khó tiếp cận các chính sách vốn vay trong nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (thị xã Điện Bàn) cho hay, mặc dù đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) nhưng khi HTX lấy giấy này để đi vay vốn phục vụ sản xuất thì ngân hàng lắc đầu bảo không có cơ chế. Bởi vậy, ông Thành đã phải dùng bìa đỏ của gia đình và nhiều bìa đỏ khác mượn của người thân để đi vay vốn. “UBND tỉnh cho ý kiến về việc này, nên chăng “cởi trói”, giúp HTX có thể dùng chính bìa đỏ được cấp để đi vay vốn. Chúng tôi dự định mở trang trại nuôi bò, hạch toán khoảng 30 tỷ đồng và liên kết với doanh nghiệp lớn để sản xuất nông sản sạch, dự tính tốn 80 tỷ đồng. Việc này chỉ thành hiện thực nếu HTX được ngân hàng cho vay vốn. UBND tỉnh cho biết có cơ chế, chính sách hỗ trợ nào để chúng tôi có thể triển khai dự án” - ông Thành nói. Ông Lê Công Nhược (thôn Nam Phước, xã Đại Tân, Đại Lộc) - chủ trang trại chăn nuôi cho rằng, mặc dù sở hữu 3,7ha đất nhưng không thể làm bìa đỏ cho trang trại để có thể đi vay vốn của ngân hàng phục vụ mở rộng quy mô hoạt động. “Các thủ tục để được cấp bìa đỏ rất rườm rà. Tôi lui tới mãi, tốn nhiều thời gian, công sức. Vậy thì làm sao chúng tôi có thể vay vốn để mở rộng sản xuất được?” - ông Nhược băn khoăn.
Cho vay 13.674 tỷ đồng phát triển nông nghiệp, nông thôn Đến ngày 30.6, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 55 trên địa bàn tỉnh đạt 9.856,8 tỷ đồng (không kể dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam), chiếm 20,99% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, tăng 34,01% so với đầu năm, tăng 11,72% so với năm 2015; nợ xấu chiếm 0,84% dư nợ. Dư nợ ngắn hạn chiếm 41,46%, dư nợ trung, dài hạn chiếm 58,54%. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 13.674 tỷ đồng, chiếm 29,12% tổng dư nợ trên địa bàn. Chiếm tỷ trọng cao trong dư nợ cho vay theo Nghị định 55 là cá nhân, hộ gia đình với 65,94%, tiếp theo doanh nghiệp với 32,88%, hộ kinh doanh chiếm 1,08%, HTX chiếm 0,1%. Đóng vai trò chủ lực trong hoạt động cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là Agribank chi nhánh Quảng Nam với 67,69% dư nợ. |
Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp và nông thôn được áp dụng tại Quảng Nam thông qua Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ (Nghị định 55) cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm và nuôi thủy sản; cho vay trồng rừng sản xuất; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho rằng, người dân rất khó tiếp cận tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP (Nghị định 75), người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được ưu đãi vay vốn trồng rừng, chăn nuôi. Tuy nhiên, có rất ít hộ dân trên địa bàn huyện tiếp cận được chính sách này. Khi người dân vay vốn thì cán bộ ngân hàng bảo chỉ người nghèo mới được ưu đãi còn các hộ khác thì không. Cũng theo quy định, các hộ dân được khoán bảo vệ rừng thì được vay vốn chính sách còn nhóm hộ được khoán bảo vệ rừng thì không tiếp cận được nguồn tín dụng này. Việc cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân người miền núi rất khó khăn khiến việc vay vốn ách tắc. “Bảo vệ rừng cần nhóm hộ chứ mỗi hộ riêng lẻ khó có thể làm tốt công tác này. Nên chăng mỗi hộ trong nhóm hộ được khoán bảo vệ rừng đều được vay vốn theo Nghị định 75. Cũng nên sửa đổi quy định là các hộ dân vay vốn chỉ cần được chính quyền xác nhận nguồn gốc đất không tranh chấp thay thế cho bìa đỏ” - ông Thanh đề xuất.
Gỡ bỏ vướng mắc
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhiều vướng mắc trong triển khai. Nguyên nhân là hầu hết diện tích đất nông nghiệp nhỏ, manh mún nên ngân hàng thương mại ngại cho vay. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thiếu mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nên nguồn vốn gặp khó. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đai; giấy chứng nhận trang trại cho chủ trang trại rất chậm. Năng lực xây dựng phương án vay vốn của người dân khu vực nông thôn còn yếu khiến việc vay vốn bị ách tắc. “Các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tâm lý tiểu nông, tăng quy mô sản xuất và chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi hợp lý. Cùng với giải pháp về vốn, các địa phương cần áp dụng đồng bộ các giải pháp về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, bảo quản nông sản, khơi thông thị trường. Đặc biệt, chính sách dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất hàng hóa lớn cần được chú trọng” - ông Lê Muộn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, các thủ tục vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn còn bất cập. Đối tượng vay vốn chưa được cán bộ ngân hàng hướng dẫn kỹ về hồ sơ, phương án kinh doanh, sản xuất. Bởi vậy, các ngân hàng thương mại cần hoàn chỉnh bộ hồ sơ vay vốn đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn trong thời gian đến. Ngân hàng cho vay tín chấp cần gọn nhẹ thủ tục, giảm thiểu ràng buộc để các chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX và nông hộ dễ tiếp cận hơn. UBND tỉnh giao Sở TN-MT đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; quyền sở hữu tài sản trên đất; quyền sử dụng đất sản xuất, đất rừng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để ngân hàng dễ dàng cho người dân vay vốn. Sở TN-MT cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương xác nhận diện tích đất đang sản xuất của người dân không có tranh chấp, qua đó thuận tiện hơn trong việc vay vốn của ngân hàng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao Liên minh HTX, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX căn cứ vào các điều khoản, quy định của Chính phủ, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư để các chủ thể vay vốn thụ hưởng chính sách.
NGUYỄN QUANG VIỆT