Ông Mai Văn Ba (thôn Cao Ngạn, xã Bình Lãnh, Thăng Bình) mới đây gửi đến Báo Quảng Nam đơn tố cáo ông Nguyễn Phước Long (cùng thôn) khai thác rừng trái phép tại 4 khu vực là Hố Đào, núi Chóp Chài, Hố Gai và Hóc Vẽn (đều thuộc thôn Cao Ngạn). Từ năm 2020 đến nay, ông Ba đã tố giác ông Long nhiều nơi nhưng vụ việc chưa được xử lý, giải quyết thỏa đáng.
Nhiều câu hỏi chưa có lời giải
Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho biết, ở khu vực Hóc Vẽn, diện tích bị tác động hơn 8.108m2 thuộc khoảnh 9, tiểu khu 483, loại đất loại rừng là rừng trồng gỗ, chức năng quy hoạch là đất rừng phòng hộ.
Tại thời điểm kiểm tra hiện trường (năm 2021) xác định không có dấu hiệu khai thác rừng, chỉ phát hiện một số gốc cây xoan đã bị mục. Trên diện tích này thời điểm đó đã được đúc trụ bê tông và kéo dây thép gai làm bờ rào để chăn nuôi bò.
Diện tích này do ông Nguyễn Phước Long trực tiếp sử dụng sau khi mua lại từ ông Phan Văn Tùng (cùng thôn). Qua làm việc, ông Long và ông Tùng trả lời đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có ai tranh chấp. Ông Nguyên cho rằng, chưa xác định được hiện trạng, hành vi vi phạm và đối tượng tác động.
Ông Trần Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho biết, UBND xã sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra vụ việc nói trên, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về lâm nghiệp để không để xảy ra trường hợp phá rừng tương tự.
Ở khu vực Hố Gai, hiện trường có diện tích hơn 21.313m2 thuộc khoảnh 8, tiểu khu 483, loại đất loại rừng là rừng trồng gỗ, chức năng quy hoạch là đất rừng phòng hộ.
Tại thời điểm kiểm tra trên diện tích đất rừng có gốc keo đã khai thác. Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam có công văn đề nghị các cơ quan của huyện Thăng Bình phối hợp xác định nguồn gốc và công tác giao đất lâm nghiệp nhưng chưa có kết quả nên chưa xác định được hiện trạng, hành vi vi phạm và đối tượng tác động.
Tại khu vực Chóp Chài, ông Nguyên cho biết, tổng diện tích bị tác động là 38.770m2 (đã trồng keo hơn 2 năm tuổi là 16.360m2, dây leo bụi rậm là 22.410m2), thuộc khoảnh 7 và khoảnh 9, tiểu khu 483, loại đất loại rừng là rừng trồng gỗ (36.600m2) và thường xanh phục hồi (2.170m2), chức năng quy hoạch là đất rừng phòng hộ. Qua kiểm đếm, có 13 gốc cây bị cưa hạ và một số gốc cây đã bị mục không xác định được chủng loại.
Qua làm việc, ông Long cho biết diện tích rừng này được UBND xã Bình Lãnh bán cho ông Nguyễn Phước Cam với giá 15 triệu đồng. Ông Long cùng với ông Cam khai thác diện tích rừng đó.
Tiếp tục làm việc, ông Cam cho biết sau khi mua đất, đã nộp tiền cho ông Nguyễn Phước Trọng - cán bộ kiểm lâm của UBND xã Bình Lãnh (có viết biên lai thu tiền). Ông Nguyên cho rằng, công dân đã tố cáo đúng khai thác rừng trái phép ở núi Chóp Chài.
Về nội dung UBND xã Bình Lãnh có tiếp tay cho việc khai thác rừng trái phép hay không, theo ông Nguyên, chỉ mới xác định UBND xã Bình Lãnh có bán rừng tại khu vực Chóp Chài, chưa đủ tài liệu, cần điều tra, xác minh thêm để có thể xác định rõ.
Khởi tố vụ án
Đối với tố cáo của ông Ba về việc ông Long khai thác rừng trái phép ở khu vực Hố Đào, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan của huyện Thăng Bình kiểm tra hiện trường, xác định những nội dung tố cáo là có cơ sở.
Theo đó, xác định diện tích bị tác động là 8.110m2 thuộc khoảnh 11, tiểu khu 483, loại đất loại rừng là rừng trồng gỗ, mục đích sử dụng là phòng hộ đầu nguồn; tổng số gốc cây bị chặt hạ là 56 cây, thuộc chủng loại mang mang, nhợ, ươi, trám trắng… (thuộc nhóm V đến nhóm VIII) có đường kính 26 - 80cm.
Qua xác minh, diện tích đất rừng trên do bà Cao Thị Nga (thôn Cao Ngạn) quản lý tạm thời từ năm 1975 đến nay (không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Trong quá trình quản lý, sử dụng, bà Nga chỉ phát dọn dây leo, cây bụi; số cây gỗ có trên đất là do tự mọc.
Khoảng tháng 3/2020, bà Nga cùng con trai là Nguyễn Văn Hải thỏa thuận bằng miệng, bán toàn bộ cây tự nhiên trên diện tích đất nói trên cho ông Nguyễn Phước Long với số tiền 60 triệu đồng. Sau đó, ông Long thuê người đưa phương tiện mở đường vào khu vực Hố Đào phát dây leo, khai thác, vận chuyển gỗ bán cho các hộ dân ở huyện Duy Xuyên và Thăng Bình.
Ngày 10/8/2020, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam gửi Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng - Viện Khoa học lâm nghiệp trưng cầu giám định diện tích rừng bị tác động có phải rừng tự nhiên hay không.
Tuy nhiên, do chưa nhận được kết quả giám định từ Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng và căn cứ vào những quy định tại điều 147, 148 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam đã quyết định tạm đình chỉ vụ việc vào ngày 18/10/2020.
Ông Nguyễn Ngọc Nguyên cho biết, mới đây, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam đã nhận được kết quả giám định từ Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng xác định 8.110m2 rừng tại khu vực Hố Đào là rừng tự nhiên, nên đủ cơ sở khởi tố hình sự vụ án phá rừng tại Bình Lãnh về tội danh “Hủy hoại rừng” theo quy định và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thăng Bình thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.
Thượng tá Trần Thế Dũng - Phó trưởng Công an huyện Thăng Bình cho biết, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ vụ án hủy hoại rừng từ Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam và đang tiến hành điều tra theo quy định.