Khốn khó ở vùng tái định cư thủy điện

NGUYỄN TRẦN 06/12/2018 02:55

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa IX, chuyện người dân tái định cư (TĐC) các dự án thủy điện loay hoay tìm sinh kế để ổn định cuộc sống lại đưa ra “mổ xẻ” đa chiều.

Tại khu TĐC xã Dang (Đông Giang), theo quy hoạch bố trí bình quân mỗi hộ 200m2 đất ở nhưng thực tế mỗi hộ chỉ nhận hơn 100m2. Tình trạng này diễn ra tương tự tại một số điểm TĐC ở các xã Trà Bui, Trà Đốc (Bắc Trà My), xã Zuôih (Nam Giang) và Ma Cooih (Đông Giang). Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang khẳng định, nhiều khu - điểm TĐC chỉ đáp ứng nhu cầu đất ở trước mắt, chưa đảm bảo nhu cầu khi tách hộ, giãn dân, gia tăng dân số; có nơi bố trí diện tích đất ở không đúng phương án quy hoạch, hoặc bố trí đất ở nơi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao... dẫn đến hệ lụy thực hiện TĐC nhiều lần. Ở thôn 2 Phước Hòa (Phước Sơn), thôn 2 Tà Pơ (Nam Giang), khu TĐC Trà Bui tuy vẫn còn diện tích đất sản xuất, đất ngoài vạch không nằm trong phạm vi thu hồi nhưng người dân buộc phải bỏ hoang hoặc chuyển nhượng cho người khác sản xuất, do khi thủy điện tích nước thì bị cô lập. Thêm điều nữa, hầu hết hộ dân tại các khu, điểm TĐC vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp nên ảnh hưởng đến việc hưởng lợi từ công tác quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài những khó khăn trên, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, việc triển khai các phương án hỗ trợ sản xuất, thay đổi phương thức canh tác chưa hiệu quả, chưa thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để giúp các hộ dân TĐC ổn định sản xuất, đảm bảo sinh kế bền vững. Tại các  khu, điểm TĐC có sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào mục đích hỗ trợ phát triển sản xuất nhưng hiệu quả đạt thấp. Chính sách đặc thù di dân, TĐC các dự án thủy điện, thủy lợi theo Quyết định 64/2014/QĐ-TTg ngày 18.11.2014 của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ phát triển sản xuất và ổn định sinh kế của người dân sau TĐC các dự án thủy điện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, ngành nghề đào tạo không phù hợp. Quan ngại nhất của vùng dự án thủy điện hiện nay là dù bàn giao về địa phương quản lý nhưng vẫn thiếu cơ chế vận hành, giám sát hậu dự án TĐC thủy điện.

HĐND tỉnh kiến nghị Trung ương ban hành quy định, cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp hoạt động thủy điện trích một phần nguồn thu từ thủy điện để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng; hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho người dân TĐC. Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cần sớm thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn thực hiện dự án đầu tư ổn định đời sống, sản xuất cho người dân sau TĐC các dự án thủy lợi, thủy điện theo Quyết định 64 để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đề nghị HĐND tỉnh xem xét dành một phần ngân sách từ nguồn thu thuế của các công ty thủy điện hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương (nơi có dự án thủy điện) ổn định sản xuất, sinh kế cho người dân TĐC thủy điện. Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất lâm nghiệp cho các hộ dân khu TĐC; đồng thời nhà máy thủy điện có trách nhiệm bồi thường diện tích đất ngoài vạch, đất không sản xuất được do bị ảnh hưởng bởi việc tích nước.

NGUYỄN TRẦN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khốn khó ở vùng tái định cư thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO