"Không ai hiểu chúng tôi bằng chúng tôi"

DIỄM LỆ 11/10/2013 08:52

Chủ đề Ngày phòng tránh thiên tai quốc tế năm 2013 của Cơ quan Chiến lược về giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên hiệp quốc hướng đến người khuyết tật (NKT), nhằm kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đối với NKT, đặc biệt là trong thiên tai. “Không ai hiểu chúng tôi bằng chúng tôi” là thông điệp mà NKT cả tỉnh gửi đến cộng đồng.

Tiếng nói NKT về vấn đề giảm nhẹ rủi ro thiên tai được lắng nghe. Ảnh: D.L
Tiếng nói NKT về vấn đề giảm nhẹ rủi ro thiên tai được lắng nghe. Ảnh: D.L

Quảng Nam được tổ chức Malteser phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững và Hội NKT tỉnh tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày phòng tránh thiên tai quốc tế ở khu vực miền Trung Việt Nam. Các hoạt động hưởng ứng nằm trong khuôn khổ dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT tỉnh Quảng Nam” do Bộ Ngoại giao Đức và tổ chức Malteser International tài trợ thực hiện.

Động lực cho người khuyết tật

Xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc), được chọn làm nơi tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Đây thực sự là ngày hội của NKT ở những huyện nằm trong vùng thực hiện dự án (gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên). Ngày hội đã thu hút hơn 300 NKT tham dự cùng đại diện chính quyền, các cơ quan phòng chống lụt bão các cấp. Tại đây, tiếng nói của NKT đã được lắng nghe, chia sẻ; NKT được thể hiện bản thân bằng những cuộc thi hết sức thú vị như kỹ năng truyền thông với những chủ đề “NKT với thiên tai” bằng các hình thức thơ ca, hát múa, ca kịch, thi vẽ sơ đồ hiểm họa… Anh Trần Văn Tám (thôn Khúc Lũy, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) chia sẻ: “Cuộc sống của tôi đã có thay đổi lớn sau khi tham gia dự án của tổ chức Malteser. Trước đây, vì nghĩ là NKT nên tôi không quan tâm gì về kế hoạch phòng chống lụt bão của thôn. Nay, tôi đã là thành viên trong Ban quản lý rủi ro thiên tai. Hơn thế, bây giờ nếu có thiên tai xảy ra tôi cũng như những NKT khác trong thôn cảm thấy bớt lo lắng hơn vì đã tham gia lập kế hoạch ứng phó thiên tai. Không ai hiểu chúng tôi bằng chúng tôi, vì thế nhu cầu của chúng tôi đã được đưa vào kế hoạch và được mọi người lắng nghe, thực hiện. Khi thiên tai xảy ra, những người nằm trong danh sách ưu tiên sẽ được quan tâm trước, trong đó có những NKT”.

Theo ông Trương Tấn Bửu - Phó ban Quản lý dự án Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT tỉnh Quảng Nam, cuộc sống của nhiều NKT thực sự thay đổi khi dự án được triển khai tại địa phương. Ông Bửu cho biết, NKT thường cho rằng mình là người không có thể giúp ích gì cho xã hội nên hay tự ti, mặc cảm, khó hòa nhập. Nhưng khi tham gia vào dự án, nhiều người đã tự tin hơn, mạnh dạn hơn khi đề xuất ý kiến, nguyện vọng của bản thân trong thiên tai. Nhiều NKT sau khi được tập huấn đã tiếp tục đi tập huấn cho NKT ở các thôn khác. Tham gia các khóa tập huấn, NKT được xây dựng năng lực, họ tự tin tham gia vào công tác phòng tránh rủi ro thiên tai của thôn. “Từ bản thân mình, tôi nghĩ, nếu những NKT được tạo điều kiện để tham gia những hoạt động như người bình thường khác, tính tự tin sẽ tăng lên, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy mình có ích nên sẽ sống tốt hơn. Đó là động lực lớn nhất giúp NKT có thể thu xếp thời gian và công việc để tham gia các hoạt động dự án”.

Cộng đồng hỗ trợ

Ngoài NKT, những thành phần khác trong hệ thống quân dân chính của thôn và những người dân khỏe mạnh, biết bơi, có tâm muốn giúp đỡ cộng đồng cũng được tham gia Ban quản lý rủi ro thiên tai cấp thôn. Ông Trương Sơn (thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) nói trước đây mình cũng hay tham gia cứu hộ cứu nạn cho người dân khi lũ đến nhưng chỉ là thấy đâu làm đó, biết bơi nên giúp. Còn bây giờ khi giúp dân, đặc biệt là NKT trong bão lũ theo một kế hoạch của đội, có quy trình hẳn hoi, được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ như áo phao, xuồng cứu nạn, dây cứu hộ...  Như đợt lũ vừa rồi, các đội cứu hộ cứu nạn làm việc cật lực để giúp dân và NKT. Ông Sơn chia sẻ: “Chúng tôi đến từng nhà NKT để di chuyển người và tài sản của họ đến địa điểm tránh lũ quy định. Trong bão lũ thì luôn chú tâm đề phòng rủi ro có thể xảy ra đối với người dân, trong đó đặc biệt chú ý đến NKT để cứu hộ cứu nạn kịp thời”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Điều phối viên chương trình của tổ chức Malteser, cho biết trong đợt bão lũ vừa rồi, thủy điện xả lũ nhưng trong dân đã xuất hiện thông tin vỡ đập nên ai cũng nháo nhào. Cần phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho người dân, đặc biệt là NKT để Ban quản lý rủi ro thiên tai các thôn có phương án di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Bà Nga nói: “Chúng tôi quan niệm rằng không ai hiểu NKT bằng NKT, không thể giúp NKT nếu không có NKT tham gia. Dự án nhằm tập trung xây dựng năng lực cho NKT và gia đình NKT trong vấn đề này. Và tất cả NKT, cơ quan quản lý gặp nhau hôm nay nhằm đưa được tiếng nói của những NKT, đối tượng dễ bị tổn thương nhất đến với mọi người trong đất nước Việt Nam và cả thế giới”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Không ai hiểu chúng tôi bằng chúng tôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO