Huyện Bắc Trà My vừa có định hướng du lịch cộng đồng đến năm 2030. Theo đó, sẽ đưa vào khai thác tiềm năng du lịch tự nhiên lẫn các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Song hành với việc này là đề án bảo tồn và phát triển văn hóa, tập trung vào việc phục hồi và phát triển trang phục, nhạc cụ, các điệu múa, bài hát của đồng bào dân tộc ít người.
Câu hỏi đặt ra: Có làm được không? Câu trả lời là không thể không làm, nhưng vấp phải hàng loạt khó khăn. Đó là hạ tầng giao thông khó khăn, dẫn đến thu hút đầu tư khó. Cấp huyện không định hình cơ chế, mà đây chính là hạn chế của chính sách, khi đường đi khó, xa, mà không có cơ chế ưu đãi về thuế, phí, thì doanh nghiệp sẽ làm ngơ.
Đây là vấn đề không phải riêng của Bắc Trà My. Người đứng ra tổ chức hoạt động du lịch ít, chưa nói là không có. Làm du lịch rất khó, bởi tour, tuyến, hạ tầng du lịch chỉ có tư nhân làm...
Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, hiện có một doanh nghiệp đã đặt vấn đề khai thác du lịch ở nóc Xơ Rơ xã Trà Bui, trên diện tích 10ha để làm điểm dừng chân cho du khách, có thể họ sẽ khai thác du lịch trên lòng hồ sông Tranh. “Tuy nhiên thủ tục rất khó, trước đây làm nhanh, nhưng nay rất chậm, mà quyết thủ tục được hay không là ở tỉnh”.
Bản sắc văn hóa miền núi mất mát, biến dạng khá lớn, khiến bây giờ ngoảnh lại thì giật mình, thậm chí có nơi… thắp đèn đi tìm trang phục, nhạc cụ; hát, múa chỉ còn sơ sài. Quan trọng hơn là suy nghĩ của lớp người hiện tại, là chủ nhân của núi rừng, họ không quan tâm. Nhưng đây là chuyện sinh - tử, bởi rành rành cái điều ai cũng biết: mất văn hóa là bị xóa phiên hiệu.
Bắc Trà My cũng không thoát khỏi tình cảnh trên, nhưng ông Tuấn nói không làm bây giờ thì bao giờ mới làm? Đưa ra định hướng đến 2030 để bắt đầu suy nghĩ, thực hiện từng bước chứ không thể nói thấy nó nhạt nhòa quá mà không làm.
“Chính vì thế, chúng tôi đã đưa cồng chiêng vào dạy trong trường học, liên tục tổ chức thi cồng chiêng ở các trường, xã. Có thể nhận thấy được niềm vui của người dân, hoạt động rất sôi nổi” - ông Tuấn nói.
Nói cho cùng, chính cơ sở là nơi tạo ra chuyển động, từ đó cấp cao hơn sẽ định hướng, hỗ trợ chứ không thể làm thay và không bao giờ làm thay được. Nhận thức của lãnh đạo cơ sở là quyết định thành công hay thất bại của những quyết sách kinh tế - xã hội.
Nhen nhúm từ tàn tro một đốm lửa hiu hắt, hoàn toàn có thể tạo ra một đám cháy lớn. Không nhanh chân vớt vát chút hơi ấm còn lại, thì vĩnh viễn nó sẽ nguội lanh, biệt tăm. Không bao giờ muộn nếu còn chút thiết tha với văn hóa, với bản sắc.