Phát triển đồng đều 3 loại rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế cho nghề rừng… là những nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh.
Trọng chất hơn lượng
Khoảng 10 năm trở lại đây, cây lâm nghiệp, đặc biệt là keo, bạch đàn, chiếm vị trí độc tôn ở các huyện miền núi, trung du, góp công lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy vậy, năng suất trên đơn vị diện tích cây keo thấp (trữ lượng bình quân 50m3/ha), nghề rừng chưa giúp người dân có cuộc sống ổn định. Ngành lâm nghiệp lúng túng trong quy hoạch cây trồng, do thiếu thông tin về thị trường đầu ra, chậm tái cấu trúc ngành. Độ che phủ rừng tuy có tăng song chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên suy giảm. Một số nơi, diện tích rừng tiếp tục bị tàn phá, tiến độ thực hiện trồng rừng sản xuất chưa đạt mục tiêu. Lâm sản chủ yếu xuất khẩu thô, chủ yếu cho công nghiệp chế biến và ván dăm, cây lâm nghiệp phần lớn bán non nên lãng phí tài nguyên rừng. Năm 2015, Quảng Nam tiếp tục chủ trương hạn chế tối đa các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, hỗ trợ chế biến sâu như sản xuất ván nhân tạo.
Nông dân thường bán keo non cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. Ảnh: T.HỮU |
Theo ông Phan Sỹ Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, cơ cấu lại ngành sản xuất lâm nghiệp phải đi đến mục tiêu lấy rừng nuôi rừng. Nếu như trước đây, 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) chỉ có rừng sản xuất mới “hái ra tiền” thì trong quá trình thực hiện tái cơ cấu phải cố gắng để cả ba loại rừng trên đều đem lại giá trị kinh tế cho người trồng và bảo vệ rừng. Muốn vậy, phải rà soát, đầu tư mạnh các cơ sở cung ứng giống cho năng suất cao, đẩy nhanh trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu. Vì sao nông dân không muốn trồng rừng gỗ lớn? Vì sao năng suất cây trồng trên đơn vị diện tích thấp? Các địa phương giàu về rừng như Hiệp Đức, Bắc Trà My, Tiên Phước khẳng định, “nút thắt” là thị trường tiêu thụ. Cây keo, bạch đàn có thể trồng kéo dài hơn 10 năm mới thu hoạch, nhưng nhu cầu thị trường rất ưa chuộng loại cây dưới 7 năm tuổi. Trong khi đó, nông dân không đủ kiên nhẫn chờ đợi, cần thu hồi vốn nhanh để tái đầu tư. Mặt khác, đầu ra cho gỗ lớn luôn bó hẹp, gió bão thường xảy ra nên rủi ro rất cao.
Tái cơ cấu toàn diện
Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, thời gian đến, khuynh hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn sẽ rất rõ. “Về lâu dài, không thể lãng phí tài nguyên đất đai, “ăn non” rừng cây được. Phải mạnh dạn thay đổi tư duy trồng rừng, phấn đấu nâng cao năng suất các loại keo 50 - 60m3/ha lên tối đa 150m3/ha, bằng việc sử dụng giống chất lượng và can thiệp của khoa học kỹ thuật” - ông Đức nói. Ngành lâm nghiệp cũng đặt chỉ tiêu, đến năm 2020, phấn đấu 30% diện tích rừng sản xuất hiện nay chuyển sang kinh doanh gỗ lớn, hoặc 30% sản phẩm rừng đủ điều kiện cung ứng nguyên liệu sản phẩm gỗ lớn.
Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành, trong đó tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ. Tại Quảng Nam, theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ còn 108.861ha rừng đặc dụng, 255.769ha rừng phòng hộ và hơn 164.587ha rừng sản xuất. Ngành lâm nghiệp đang rà soát, sắp xếp lại các lâm trường, ban quan lý rừng đặc dụng, phòng hộ theo hướng tinh gọn, tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho chủ rừng. Giảm tối đa các doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường sản xuất kinh doanh không hiệu quả; đẩy mạnh giao đất giao rừng cho các thành phần kinh tế khác và hộ gia đình. |
Hiện nay, tỉnh quản lý diện tích rừng khá lớn với 719.922ha rừng và đất lâm nghiệp, nhưng thực tế nhiều nơi vẫn chưa thống nhất tiểu khu, khoảnh, lô trên bản đồ và thực địa. Nhiều đơn vị, tổ chức được giao rừng lớn nhưng quản lý, sử dụng kém hiệu quả nên xảy ra tình trạng lấn chiếm, xâm hại tài nguyên. Bất cập ở chỗ, vùng trồng nguyên liệu cung ứng cho thị trường lúc thừa khi thiếu nên thường xuyên bị ép giá, thua trên sân nhà. Ông Đào Bội Thuyên – nguyên Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, một thời người dân trồng keo, sau này là cây cao su phần lớn theo định hướng, khuyến khích của Nhà nước, nhưng mấu chốt vẫn là do thị trường quyết định. Vì thế, để giảm tính rủi ro cho nông dân, hơn ai hết họ cần liên kết lại cách làm ăn, chính quyền thu hút doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm.
Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, sẽ ưu tiên xã hội hóa nghề rừng từ tạo vùng nguyên liệu đến khai thác, tiêu thụ, chế biến; giảm dần đầu tư của Nhà nước. Theo ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian đến sẽ triển khai nhanh công tác giao đất giao rừng đến các thành phần kinh tế, hộ gia đình. Nhà nước chỉ quản lý những khu rừng đặc dụng và phòng hộ; quy hoạch phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến lâm sản quy mô nhỏ và các trang trại lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước phải ra đời các trung tâm phân tích thông tin thị trường, định hướng chiến lược phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp. Theo ông Hưng, Trung ương và tỉnh cần sớm sửa đổi và hoàn thiện chính sách giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp.
TRẦN HỮU