Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 24 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với hơn 160 ca, tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các địa bàn như phường Hòa Thuận, An Mỹ (TP. Tam Kỳ) là khu vực có số ca mắc SXH tăng đột biến.
BÁC sĩ Huỳnh Công Quang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, vắc xin và sinh phẩm - Trung tâm YTDP tỉnh cho biết, năm 2015 là năm chu kỳ của dịch đồng thời do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển nên bệnh xảy ra rải rác tại các địa phương. “Ngành y tế xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nên tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Hiện tại, toàn bộ các ổ dịch đều trong tầm kiểm soát” - bác sĩ Huỳnh Công Quang khẳng định.
Các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết. |
Diễn biến phức tạp
Hiện nay, số ca bệnh SXH đang gia tăng. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi, 6 tháng đầu năm chỉ có 2 ca bệnh nhưng chỉ hơn 1 tháng từ ngày 1.8 - 5.9 lên đến 29 ca, trong đó có 17 ca ở phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ). Một số gia đình ở phường Hòa Thuận, cả cha mẹ, các con đều bị SXH. Anh N.V.H. (ở khối phố Phương Hòa Nam, phường Hòa Thuận) kể, ban đầu vợ anh bị sốt cao liên tục trong một tuần. Vì bận công việc nên anh không đưa vợ đến bệnh viện thăm khám sức khỏe. Bệnh nhân tăng cường uống nước cam và nước Orisol nên sau đó sức khỏe khá hơn. Tuy nhiên sau đó con trai của anh rồi đến con gái của anh lần lượt bị sốt. Khi anh đưa đến Bệnh viện Nhi làm kết quả xét nghiệm máu thì mới biết các cháu đều bị bệnh SXH.
Ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi. |
Thời tiết hiện nay đang ở giai đoạn cuối mùa khô, dự kiến khi bước vào mùa mưa, bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân khi nóng sốt tưởng rằng mình bị sốt siêu vi nên không nhập viện và việc nhập viện muộn khiến bệnh nhân ở tình trạng nặng và thời gian điều trị kéo dài. Một số người tự ý đến tiệm thuốc mua thuốc hoặc khám tư nên không làm các xét nghiệm, dễ bị chẩn đoán nhầm sang sốt phát ban, sốt siêu vi, viêm họng. Một bác sĩ khoa y học nhiệt đới Bệnh viện Nhi cho biết, nhiều người dân còn chủ quan với bệnh SXH, ngay cả một số gia đình có con đang điều trị nội trú cứ tối đến là đưa con về nhà.
Tích cực phòng ngừa
Các biện pháp phòng bệnh SXH - Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng (bọ gậy) như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ… để muỗi không vào đẻ trứng. - Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt loăng quăng vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng. - Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. - Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. |
Trung tâm YTDP tỉnh đã chọn Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ và 2 xã, phường ở Tam Kỳ làm điểm giám sát trọng điểm bệnh SXH của tỉnh; mỗi trạm y tế xã đều có cán bộ chuyên trách SXH. Trước tình hình dịch SXH đang diễn biến phức tạp ở địa bàn, Trạm Y tế phường Hòa Thuận đã triển khai các biện pháp xử lý dịch tại các vùng có dịch. Trong khi đó, Trung tâm YTDP tỉnh tổ chức phun hóa chất triệt để ổ dịch, đồng thời triển khai chiến dịch phun hóa chất tại các vùng có nguy cơ cao với sự vào cuộc của các ngành nhằm vận động các hộ dân trong khu vực phải được phun hóa chất và phun các tầng nhà nhằm tiêu diệt được muỗi mang mầm bệnh với tỷ lệ cao và hiệu quả. Cụ thể, các ổ dịch đều được xử lý không quá 24 giờ sau khi nhận được thông báo ổ dịch và phun thuốc diệt muỗi trong bán kính 200m tại ổ dịch nhằm diệt muỗi nhiễm vi rút.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, SXH là bệnh do muỗi vằn truyền, bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Ở nước ta hiện lưu hành 4 típ vi rút SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều típ. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh năm trước, năm nay vẫn có thể mắc lại. Người bệnh cũng trở thành nguồn lây truyền bệnh nếu sơ ý để muỗi đốt người bệnh SXH rồi lại đốt người khỏe mạnh. Do đó người dân không nên chủ quan với bệnh này.
PHƯƠNG NAM – CHÂU NỮ