(QNO) - Thời gian qua, một số loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh gây hại rải rác trên đàn gia súc, gia cầm ở nhiều nơi của tỉnh. Nhờ ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, đến nay đã cơ bản khống chế và dập tắt sự lây lan của mầm bệnh.
Giữa tháng 3 dương lịch, vi rút gây bệnh viêm da nổi cục tái xuất hiện tại xã Quế An và Quế Phong của huyện Quế Sơn khiến 9 con bò của một số hộ dân mắc bệnh. Trong đó, có 2 con bò bị chết phải tiêu hủy bắt buộc với trọng lượng 255kg.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào chiều 13/5, ông Nguyễn Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho biết, bên cạnh việc khẩn trương tiêu hủy số bò bị nhiễm bệnh chết thì lực lượng thú y huyện cùng chính quyền 2 địa phương nêu trên tập trung huy động phương tiện, nhân lực và sử dụng 50 lít hóa chất tiến hành vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng tại 2 ổ dịch.
“Nhờ nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, vi rút gây bệnh viêm da nổi cục ở xã Quế An và Quế Phong đã được dập tắt kịp thời. Trong vòng 1 tháng qua, trên địa bàn huyện Quế Sơn không phát sinh thêm con trâu, bò nào bị bệnh viêm da nổi cục gây hại” – ông Huệ nói.
Ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viêm da nổi cục xảy ra ở 14 xã, thị trấn của 6 huyện, thành phố gồm Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tam Kỳ. Theo thống kê, tại các địa phương vừa nêu có tổng số 42 con bò nhiễm bệnh, trong đó có 6 con bị chết phải tiêu hủy khẩn cấp. Hiện nay, các ổ dịch đã cơ bản được khống chế.
Ông Tý cho biết thêm, đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã ổn định. Thời gian qua, chỉ có 1 ổ dịch nhỏ xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Tiên Phong (Tiên Phước) làm 2 con heo nái và 2 con heo thịt bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc. Hiện đã qua 21 ngày cả tỉnh không phát sinh thêm heo mắc bệnh mới.
Trong khi đó, 4 tháng đầu năm nay, bệnh lở mồm long móng xảy ra ở 9 xã, thị trấn của 5 huyện, thành phố là Phú Ninh, Đại Lộc, Hiệp Đức, Phước Sơn, Tam Kỳ. Tổng số gia súc mắc bệnh là 122 con, gồm 20 con trâu và 102 con bò. Trong đó, có 3 con bò bị chết. Đến nay, tình hình dịch lở mồm long móng đã ổn định, toàn bộ gia súc mắc bệnh đã lành về triệu chứng lâm sàng và đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh mới.
Còn đối với dịch cúm gia cầm, từ ngày 14 - 17/3 bệnh xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi ở thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức). Tổng số gia cầm mắc bệnh và phải tiêu hủy bắt buộc là 365 con, gồm 205 con gà và 160 con vịt. Thời gian qua, dịch bệnh đã được kiểm soát, trên địa bàn Quảng Nam không phát sinh thêm đàn gia cầm nào mắc bệnh.
Ông Trương Xuân Tý cho rằng, mặc dù các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm đã cơ bản được khống chế và dập tắt nhưng ngành chuyên môn, chính quyền các cấp, đặc biệt là người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Ông Tý đề nghị chính quyền các địa phương và những đơn vị liên quan thời gian tới phải tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đối với từng loại bệnh trong năm 2023.
“Vấn đề cần quan tâm là tăng cường giám sát dịch bệnh tại những khu vực có dịch và các vùng có nguy cơ cao. Xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan. Đặc biệt, thường xuyên đôn đốc công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2023 đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% so với tổng đàn. Trong đó, tập trung tiêm phòng đối với các bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục ở trâu bò, cúm gia cầm, dịch tả lợn...” – ông Tý lưu ý.