Không chỉ là gieo chữ

ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC 21/11/2015 07:49

Ở Quảng Nam, tỷ lệ thầy cô giáo sinh hoạt trong các chuyên ngành sáng tác của Hội VHNT tỉnh khá cao. Bằng tình yêu nghề, họ cần mẫn như những con ong hút mật ngọt dâng hiến cho đời.   

Bụi phấn. Ảnh: HỨA THẠNH
Bụi phấn. Ảnh: HỨA THẠNH

Có lần thầy giáo già Nguyễn Xuân Thắng - hội viên Chi hội Âm nhạc (Hội VHNT tỉnh) bảo với tôi: “Hồi còn đứng lớp, tôi luôn bắt đầu tiết học của mình bằng một bài hát, đôi khi do tôi sáng tác hoặc của tác giả nào đó viết về mái trường, thầy cô và học trò. Tôi nghĩ, hát cho các em nghe và nghe các em hát theo là cách tốt để tạo niềm hứng khởi khi bắt đầu một giờ học...”. Hồi còn học ở trường làng, tôi luôn ước ao được nghe cô giáo hát hoặc là đọc thơ mỗi buổi đến trường. Đặc biệt cuốn hút hơn với những bài thơ do cô thầy sáng tác. Những câu thơ dù chưa thật hoàn thiện về cấu trúc, chưa đủ bay bướm về ngôn từ, nhưng đã thầm lặng gieo vào tâm hồn tuổi thơ tôi và nhiều cô cậu học trò cùng lứa biết bao tình cảm yêu thương.

Bạn đọc, người nghe và xem phát thanh - truyền hình địa phương cũng như đông đảo học trò xứ Quảng từ lâu đã quá quen thuộc với các thầy cô giáo vừa đứng lớp, vừa làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, làm mỹ thuật... Những Tiêu Đình, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Thị Phương Dung, Ngô Phú Thiện, Nguyễn Ngọc Chương, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, Mai Thanh Vinh, Lê Thị Điểm, Đỗ Thượng Thế, Lê Trâm, Nguyễn Bá Hòa, Trương Vũ Thiên An, Ngô Hà Phương, Ngô Thị Thục Trang, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thị Kết hay Phan Văn Minh, Lê Xuân Trúc, Trần Cao Vân, Võ Như Diệu... nhiều năm nay đã chọn cho mình lối đi riêng trong văn học - nghệ thuật để đến được với công chúng và để gieo vào tâm hồn tuổi học trò những cảm xúc, nhận thức ngoài sách vở. Dù phần lớn các thầy cô giáo xứ Quảng xem sân chơi văn học - nghệ thuật là “nghề tay trái” nhưng khi họ công bố tác phẩm đã gây được dấu ấn nhất định đối với độc giả đồng thời cũng gặt hái được không ít thành công tại các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Nguyễn Tấn Sĩ đoạt giải thưởng thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội, Huỳnh Minh Tâm - giải thơ thành phố Đà Nẵng và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tiêu Đình - giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian TP.Đà Nẵng, Phan Văn Minh với nhiều giải thưởng cao về ca khúc, Nguyễn Ngọc Chương, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt hay Trần Cao Vân... đều có tác phẩm đoạt giải ở các sân chơi văn học - nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc.

Thầy giáo, nhạc sĩ Trần Cao Vân - giảng viên Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Quảng Nam tâm sự: “Với tôi, mỗi giờ lên lớp là một cuộc biểu diễn và là lúc để mình trình bày những vấn đề lý luận âm nhạc”. Chính ở môi trường này đã giúp Trần Cao Vân gặt hái được khá nhiều thành công về âm nhạc mà ca khúc: Con ve gọi hè - đoạt giải thưởng viết về tuổi trẻ và mái trường do Bộ GD-ĐT tổ chức cách đây vài năm là ví dụ. Các anh Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, Huỳnh Minh Tâm lâu nay vẫn cần mẫn với mảng phê bình, là những người chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để không bị lặp lại mình hoặc lặp lại những điều mà người khác đã đề cập; khám phá khi tiếp cận với tác phẩm văn học để từ đó mang đến cho học trò những thông tin mới, cách tiếp cận tác phẩm mới mẻ, bắt nhịp được mạch đập của xã hội đương đại. Thầy giáo, nhà thơ Huỳnh Minh Tâm từng thổ lộ với chúng tôi: “Tôi có một niềm đam mê mãnh liệt đối với thi ca và nghĩ rằng, chỉ có thơ mới có khả năng giải tỏa khát vọng khám phá thế giới và nỗi đau tâm hồn”. Tuy rằng không phải là giáo viên dạy văn, nhưng suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng của nhà thơ Huỳnh Minh Tâm trong các bài giảng văn học của các thầy cô giáo bộ môn văn ở Đại Lộc là không ít.

Bằng tình yêu học trò, các thầy cô giáo làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc và những thầy cô giảng dạy bộ môn văn, nghệ thuật... đã lặng lẽ gửi vào trang viết, giáo án của mình những tình cảm sâu lắng và tràn ngập cảm xúc với lứa tuổi thần tiên.

ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không chỉ là gieo chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO