Bài toán: 8 - 3 + 3 = ?Đơn giản quá phải không? Nhưng nó đã làm dậy sóng dư luận một trận không kém gì bao nhiêu chuyện quốc gia đại sự khác, với bao nhiêu tranh cãi, biện luận trên các diễn đàn báo chí và mạng xã hội.
Bởi vì một học sinh tiểu học cho đáp số là “8”, bị giáo viên gạch bỏ, sửa lại là “2” kèm lời phê: Con chưa hiểu bài!
Người ta có thể nổi giận được, với cái trình độ của người giáo viên kia, và người ta có thể hiểu rằng đây chỉ là một “tai nạn” hết sức cá biệt trong hàng ngũ giáo viên. Và người ta chỉ đơn giản “rút thẻ nhà giáo” của giáo viên ấy, ngay lập tức.
Thế nhưng dư luận rộn đám lên không phải vì một người thầy “đứng nhầm lớp” tới mức đáng sợ như vậy. Người ta lại tranh cãi nhau coi, đáp số của học sinh đúng hay của giáo viên đúng. Trời đất ơi!
Còn có trang báo mạng lập cả một poll trắc nghiệm cho độc giả chọn một trong hai đáp số. Và kết quả: đến 14% người tham gia chọn 8 - 3 + 3 = 2 là ĐÚNG.
Cái kết quả đó, nó đã giải thích cho biết tại sao câu chuyện lại gây tranh cãi, tại sao người ta lại tranh cãi vào cái phép tính chứ không phải vào một lỗ hổng kinh khiếp trong hàng ngũ giáo dục.
Bất cứ ai, đã học qua hết lớp 2 chứ chưa cần xong tiểu học, cũng phải phân biệt được hai phép tính: 8 - 3 + 3 và 8 - (3 + 3). Đó là hai phép tính cho ra hai kết quả “gây tranh cãi” kia, và nếu quy nạp theo xác suất, có chừng 14% con người ta không phân biệt được điều căn bản đó, ở một phép toán vỡ lòng. Con số có thể đáng ngại hơn, bởi có thể tính đến một lượng độc giả không quyết định được nên chọn vào đáp số nào nữa kia.
Sự kiện này, cuối cùng cũng cho thấy được một điều ở tầm “quốc gia đại sự”. Đó là vấn đề chất lượng công chúng. Những con người trưởng thành hẳn hoi đang tham gia vào đủ lãnh vực sinh hoạt xã hội, là nền tảng và bộ mặt của xã hội, lại mang lỗi kiến thức căn bản từ thời tiểu học. Họ có thể mang theo những lỗi ấy suốt cuộc đời mà không biết để sửa. Đó là vấn đề một nền giáo dục, mang sứ mạng “trồng người” mà gây ra một tỷ lệ lỗi quá cao, và những lớp người bước ra khỏi nhà trường mà dường như không có ý thức tự học, tự bổ khuyết tri thức và dĩ nhiên, theo đó là tự hoàn thiện nhân cách!
Một xã hội tạo nên từ những con người như thế, có thể phát triển, sáng tạo và văn minh được bằng cách nào?
Đừng cho rằng cái tỷ lệ “lỗi” ấy là thiểu số. Cái thiểu số ấu trĩ trên một phép toán vỡ lòng có thể nhân bội lên với những đòi hỏi tri thức ở tầng cao hơn. Chúng ta có thể tự hào với mỗi một Ngô Bảo Châu giải được bài toán “bổ đề”, thì tại sao không thể lo lắng với một giáo viên và chừng đó phần trăm (có thể là) phụ huynh giải sai một bài toán sơ đẳng?
Vấn đề chỉ được giải quyết bắt đầu khi người ta nhìn nó là “vấn đề”. Phải không?