Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin UBND TP.Đà Nẵng có chủ trương điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá (Đà Nẵng - Quảng Nam và ngược lại) theo hướng không cho phép đi vào trung tâm thành phố. Nhiều đơn vị vận tải cho rằng chủ trương này chưa phù hợp.
Chưa hợp lý
Ngày 27.2 vừa qua, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng ban hành Thông báo số 66/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn tại cuộc họp rà soát tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn. Trong đó có đoạn: “Giao Sở Giao thông vận tải thành phố làm việc cụ thể với Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam để thống nhất phương án điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá theo hướng các tuyến xe buýt liền kề này có lộ trình không đi vào trung tâm thành phố; báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định trong tháng 3.2017”. Các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá mà văn bản đề cập gồm: Đà Nẵng - Tam Kỳ, Đà Nẵng - Hội An, Đà Nẵng - Phú Đa, Đà Nẵng - Ái Nghĩa, Đà Nẵng - Quế Sơn; được TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phê duyệt cho hoạt động từ khi chia tách 2 địa phương vào năm 1997 đến nay.
Tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng đã đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân hai địa phương. Ảnh: CÔNG TÚ |
Sự ra đời và đi vào khai thác tuyến xe buýt liền kề (liền nhau giữa 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương) không trợ giá đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Dù không được trợ giá (không hỗ trợ kinh phí từ ngân sách), doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ. “Đang vạch ra kế hoạch dài hơi, đùng một cái chúng tôi nhận được thông báo của Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã của cả Quảng Nam và Đà Nẵng đang hoạt động trên tuyến rất hoang mang” - ông Hồ Tấn Ba - Giám đốc Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ nói.
Vừa qua, các đơn vị vận tải đã có tờ trình gửi đến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cùng UBND, Sở GTVT và Hiệp hội Vận tải ô tô của 2 địa phương. Theo nhiều doanh nghiệp, các tuyến buýt liền kề này chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cán bộ từ Đà Nẵng vào công tác tại Quảng Nam, học sinh - sinh viên Quảng Nam ra học tập ở Đà Nẵng. Nếu điều chỉnh ra ngoài thành phố thì bất lợi cho hành khách, còn muốn vào trung tâm phải chuyển qua các phương tiện khác sẽ mất thời gian, tốn kém và tăng thêm tình trạng ùn tắc giao thông cho nội thành. Cạnh đó, “xe dù”, xe 9 chỗ, 16 chỗ ngồi đón khách tận nhà “chạy chui” khá phổ biến, các lực lượng chức năng đang nỗ lực kiểm soát. Nhưng nếu thực hiện chủ trương của thành phố, các phương tiện kể trên còn có “đất” để lộng hành, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải. Ở khía cạnh khác, một doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, do TP.Đà Nẵng cải tạo nút giao thông ngã ba Huế và hiện nay là nút Điện Biên Phủ, lộ trình tuyến phải thay đổi liên tục khiến thời gian qua đơn vị vận tải gặp nhiều khó khăn. Trong khi, phần lớn phương tiện là của xã viên và người lao động trực tiếp cầm lái, phục vụ để nuôi sống bản thân và gia đình.
Cần lộ trình phù hợp
Theo ông Đinh Văn Ba - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đà Nẵng, thành phố cần có chủ trương và lộ trình để các đơn vị vận tải tham gia hoạt động trên các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá nâng cao chất lượng phương tiện và chất lượng dịch vụ theo quy định chung và quy định của thành phố. Không có sự phân biệt giữa xe buýt trợ giá và xe buýt không trợ giá. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm một cách nghiêm minh, công bằng để hoạt động xe buýt Đà Nẵng ngày càng văn hóa, văn minh. |
Liên quan đến văn bản chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng, ông Đinh Văn Ba - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đà Nẵng cho rằng, cần phải xem xét lại chủ trương cho phù hợp thực tế, nếu có ưu tiên thì nên ưu tiên cho loại hình xe buýt không trợ giá, vì đây là loại hình đã được xã hội hóa lâu nay. Về cơ bản, các tuyến hoạt động tốt, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách giữa 2 địa phương hàng chục năm qua. UBND và Sở GTVT thành phố xem xét, giải quyết và trả lời nội dung tờ trình mà các đơn vị vận tải đã gửi để chủ đơn vị, người lao động yên tâm và có kế hoạch tổ chức phục vụ tốt hơn. Tránh tình trạng phản ứng số đông của người lao động như một số tuyến ở Đà Nẵng cũng như vài địa phương khác trong thời gian qua, gây mất trật tự vận tải.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam - ông Nguyễn Ngọc Châu đề nghị UBND tỉnh và UBND TP.Đà Nẵng cần bàn bạc thống nhất theo hướng tạo thuận lợi về lộ trình tuyến để xe buýt liền kề không trợ giá hoạt động ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng phục vụ. Thời gian qua, hiệp hội tổ chức nhiều lớp phổ biến về các văn bản pháp luật có liên quan để các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải buýt nói riêng nắm bắt và tuân thủ. Nhiều lớp tập huấn về cung cách phục vụ của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt cũng được tiến hành. Có thể thấy, hoạt động vận tải bằng xe buýt của Quảng Nam dần dần đi vào nền nếp. Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam - ông Lê Văn Sinh cho hay, ngành chức năng sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi UBND TP.Đà Nẵng về việc đề nghị lùi thời gian thực hiện điều chỉnh. Đồng thời xây dựng lộ trình triển khai cho phù hợp.
CÔNG TÚ