(QNO) - Sáng nay 26.10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai họp trực tuyến với 9 địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận bàn công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sắp đổ bộ vào đất liền.
Chủ trì điểm cầu Trung ương có ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, hồi 7 giờ hôm nay, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 11,1 độ vĩ Bắc; 111,6 độ kinh Đông, đang duy trì cường độ cấp 7, cách Khánh Hòa 300km, Ninh Thuận 280km, tốc độ di chuyển 5 - 10km. Trong 6 - 12 giờ tới, ATNĐ có cường độ cấp 7, giật cấp 9, vào đất liền giảm xuống cấp 6, suy yếu trong đêm nay. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới có gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên từ vĩ tuyến 10,5 đến 14,0 độ vĩ Bắc, phía tây kinh tuyến 113,5 độ kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè biển trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Dự báo từ 26 - 27.10, ở khu vực Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa 100 - 250mm, có nơi hơn 300mm. Từ ngày 27 - 30.10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam có 59 hồ thủy điện và thủy lợi đầy nước, 5 hồ thủy điện cần hạ mực nước; 22 tàu cá với 1.000 lao động đã trú tránh an toàn; giao thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cơ bản thông suốt. UBND tỉnh đã họp với các địa phương về công tác ứng phó với ATNĐ và yêu cầu không chủ quan, bám sát thông tin để cảnh báo nhân dân. Tổ chức thực hiện phương án di dời xen ghép người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt vừa đảm bảo phòng chống Covid-19…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp hoan nghênh tinh thần chủ động, nhanh chóng trong phòng chống thiên tai của các địa phương. Từ nay đến cuối năm vẫn còn mưa lũ nên không chủ quan. Trước mắt, để ứng phó với ATNĐ, 9 địa phương cần thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ. Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định vẫn còn nguy cơ sạt lở nên chú trọng canh trực, cảnh báo và động viên nhân dân chấp hành nghiêm việc di dân khi có nguy cơ.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị bộ đội biên phòng theo dõi tàu thuyền, yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng ATNĐ. Yêu cầu người dân đảm bảo an toàn lao động trên lồng bè nuôi trồng thủy sản. Hồ chứa ở vùng Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận) tranh thủ tích nước; các hồ khác cần vận hành, điều tiết nước đúng quy trình. Về giao thông, các địa phương canh trực ở các điểm sạt, trượt và bố trí người, phương tiện khắc phục, giúp lưu thông thông suốt...