Không chủ quan với bệnh dại

NGUYỄN VĂN HOÀNG 07/05/2014 11:19

Nghĩ rằng tiêm vắc xin phòng bệnh dại sẽ làm giảm trí nhớ nên nhiều người nhờ thầy lang “cào” để biết bệnh nhân có bị nhiễm vi rút dại hay không. Chính vì quan niệm sai lầm và phương pháp “chẩn” bệnh thiếu khoa học này mà nhiều người đã tử vong…
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 13 trường hợp bệnh nhân tử vong do lây nhiễm bệnh dại từ chó, mèo. Hầu hết trường hợp tử vong đều do bệnh nhân chủ quan không điều trị đúng cách ngay sau khi bị chó, mèo cào, cắn. Thậm chí, khi bị trầy xước, có người còn chủ động cho mèo, chó liếm vào vết thương trên da với mong muốn nhanh lành bệnh - một việc rất nguy hiểm nếu động vật nhiễm bệnh dại. Bởi khi bị động vật mắc bệnh dại cào, cắn, liếm vào chỗ da bị tổn thương, vi rút từ nước bọt sẽ xâm nhiễm vào cơ thể người.

Tiêm vắc xin dại được tổ chức định kỳ vào tháng 5, tháng 6 hằng năm tại từng địa phương.
Tiêm vắc xin dại được tổ chức định kỳ vào tháng 5, tháng 6 hằng năm tại từng địa phương.

Khi bị chó, mèo cào, cắn, bệnh nhân thường được dặn dò theo dõi để biết con vật cắn mình có bị bệnh dại hay không để có hướng xử lý phù hợp. Tuy nhiên, việc theo dõi này rất khó khăn bởi thời gian ủ bệnh (mang vi rút nhưng chưa có biểu hiện bệnh) ở động vật dài, dao động từ 7 ngày đến nhiều tháng. Chính vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn là phải tiêm vắc xin ngay trong những giờ đầu tiên. Đặc biệt, khi phát hiện con vật có biểu hiện bệnh dại hoặc vết thương ở gần đầu, mặt, cổ hoặc ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục, cần phải tiêm cả huyết thanh kháng dại. Nếu không điều trị kịp thời, khi đã lên cơn dại hầu như 100% ca bệnh đều tử vong.

Cách xử lý sau khi bị chó, mèo cào, cắn: rửa sạch vết thương với nước xà phòng đặc 20% hoặc nước muối 0,9%, sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn và đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Mặc dù bệnh dại rất nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn chủ quan với việc tiêm phòng khi bị chó, mèo cào, cắn dẫn đến hậu quả đau lòng. Trường hợp gần đây nhất là cái chết thương tâm của bé gái 8 tuổi tên N., con ông P.H.T. (trú tại xã Tam Sơn, Núi Thành). Cháu N. bị chó của hàng xóm cắn, vết cắn ở hai bên cẳng chân, có dấu răng và nhiều vết trầy xước. Khoảng 4 ngày sau, gia đình phát hiện con chó cắn cháu N. đã chết. Tuy nhiên, cháu N. không được đưa đi tiêm vắc xin mà được đưa đến hai vị thầy thuốc gia truyền tại địa phương. Cả hai “thầy” sau khi “cào” đều khẳng định con chó cắn cháu N. không mắc bệnh dại. Tìm hiểu thêm được biết, con chó nêu trên khoảng 8 tháng tuổi, chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Sau hơn 4 tháng từ ngày bị chó cắn, bé N. có biểu hiện bệnh như sốt, ăn ít, sợ nước, sợ gió… Dù được gia đình đưa đến bệnh viện nhưng cháu N. đã tử vong sau 4 ngày điều trị.

Để phòng, chống bệnh dại, Nhà nước có quy định bắt buộc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho tất cả chó, mèo nuôi. Trên địa bàn tỉnh, việc tiêm vắc-xin dại được tổ chức định kỳ vào tháng 5, tháng 6 hằng năm, sau đó hằng tháng tiêm bổ sung. Các cán bộ thú y cấp xã sẽ trực tiếp thông báo lịch tiêm phòng dại. Các gia đình có nuôi động vật có thể liên hệ tại trạm thú y xã, huyện để tiêm vắc xin cho chó hoặc mèo. Việc tiêm vắc xin nhằm hạn chế số trường hợp động vật lên cơn dại cắn người, từ đó làm giảm số ca người tử vong do lây nhiễm bệnh dại từ động vật. Về lâu dài, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho động vật là biện pháp căn bản để khống chế và loại trừ hoàn toàn bệnh dại trên phạm vi cả nước. Vì vậy người nuôi chó, mèo cần chấp hành nghiêm quy định nêu trên. Ngoài ra, khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường như bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường, chủ vật nuôi cần báo ngay cho thú y xã hoặc trưởng thôn để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

NGUYỄN VĂN HOÀNG
(Chi cục Thú y Quảng Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không chủ quan với bệnh dại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO