Không chủ quan với bệnh liên cầu khuẩn lợn 

PHƯƠNG NAM 07/01/2014 08:54

Vào dịp lễ hội, đặc biệt là ngày tết, người dân ở vùng nông thôn thường mổ heo để ăn tết. Việc tự giết mổ heo và thói quen ăn tiết canh tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn.

Theo báo cáo của ngành y tế, năm 2013, Đại Lộc đã xảy ra 2 trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Bệnh nhân là bà P.T.Ng. và ông N.N. Sau khi giết mổ 5 con heo trong đàn heo 24 con, chiều 7.2.2013, bà Ng. bị nóng, sốt và được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam để điều trị. Tại đây, bà Ng. đã được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Do bị sốc nhiễm độc quá nặng nên đến 4 giờ sáng ngày hôm sau bà Ng. đã tử vong. Sau khi bà Ng. mất, những con heo còn lại được bán cho ông N. Mặc dù thấy số heo có biểu hiện bệnh, nhiều con da bị tím tái nhưng ông N. vẫn giết mổ. Chỉ hơn một ngày sau khi mổ con heo đầu tiên, ông N. cũng bị tử vong.

Đến nay, nhiều người vẫn giữ thói quen ăn tiết canh, nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán. Nhiều người cho rằng tiết canh do mình làm sẽ an toàn mà không biết rằng, trong tiết canh sống tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ ký sinh trùng, tiêu chảy, tả lỵ đến liên cầu khuẩn… Ngoài ra, trong quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở da, lông động vật cũng dễ dàng xâm nhập vào tiết. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm ngày 2.1.2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã kêu gọi người dân không nên ăn tiết canh. Nói về bệnh liên cầu khuẩn lợn, ông Lê Hữu Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam cho biết, vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus)  có thể sống được 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C, 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân ở nhiệt độ 25 độ C. Do đó, người dân có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu ăn thịt heo chưa nấu chín, ăn các món tiết canh, nem chua hoặc tiếp xúc với heo qua việc giết mổ, vệ sinh chuồng trại khi có vết xước ở da mà không có trang phục bảo hộ. Ngoài ra, cũng có thể lây qua đường hô hấp do hít phải liên cầu khuẩn có trong không khí do heo bệnh ho, hắt hơi bắn ra hoặc thói quen khi mua thịt người dân thường đưa thịt lên mũi để ngửi…  

Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ heo thường mắc ở hai thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy chức năng gan, thận… và tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa và hôn mê, nếu không điều trị sớm bệnh nhân sẽ có di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt. Để bảo vệ tính mạng của mình, người dân phải tự nâng cao ý thức thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ sở giết mổ phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay. Còn đối với người tiêu dùng, mua thịt heo ở nơi tin cậy, có đóng dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y, giữ vệ sinh và ăn chín là cách tốt nhất để phòng bệnh.

PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không chủ quan với bệnh liên cầu khuẩn lợn 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO