Từ ý kiến bạn đọc phản ảnh qua đường dây nóng, phóng viên Báo Quảng Nam đã tìm hiểu thực tế và nhận thấy không có chuyện khai thác đất nguyên liệu trái phép tại cánh đồng Viên Quỳnh (thuộc địa bàn thôn Cẩm Văn Nam, xã Điện Hồng, Điện Bàn).
Cánh đồng Viên Quỳnh có tổng diện tích trên 35ha đất sản xuất lúa, trong đó có hơn 2,3ha thuộc ruộng bậc thang, diện tích nhỏ, manh mún không thể đưa cơ giới vào sản xuất. Việc tưới tiêu gặp nhiều khó khăn, do vậy năng suất lúa thấp. Trước thực trạng này, Chi bộ thôn Cẩm Văn Nam đã thống nhất chủ trương cải tạo khu vực Viên Quỳnh để đảm bảo sản xuất. Trên tinh thần đó, Ban nhân dân thôn tổ chức họp các hộ dân có đất nằm trong khu vực và được từng hộ dân thống nhất, sau đó Ban nhân dân thôn có tờ trình gửi UBND xã Điện Hồng xây dựng phương án cải tạo đất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, theo chủ trương của tỉnh, huyện về tổ chức thực hiện chương trình “dồn điền đổi thửa” chỉnh trang đồng ruộng, đồng thời căn cứ tờ trình của Ban nhân dân thôn cũng như nội dung cuộc họp của Chi bộ thôn, xã tiến hành lập phương án xin cải tạo đất khu vực này và gửi văn bản đến huyện Điện Bàn xem xét. Sau khi cử các ngành đi kiểm tra và thực hiện công tác tham mưu, UBND huyện đã có văn bản trình xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. “Mục tiêu mà xã hướng đến là chỉnh trang đồng ruộng, thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu giai đoạn 2013 – 2014. Sau khi cải tạo 77 thửa ruộng (55 thửa đất vòng 1 của nhân dân, 22 thửa đất công ích xã giao hộ dân sản xuất) trên thành 2 thửa lớn, chúng tôi sẽ đưa vào sản xuất chuyên canh lúa giống, lúa thương phẩm phù hợp với phương án xây dựng cánh đồng mẫu lớn thôn Cẩm Văn Nam rộng 35,7ha” - ông Tuân nói.
Căn cứ Công văn số 671/UBND-KTN ngày 9.3.2012 của UBND tỉnh, Công văn số 2143/SNN&PTNT-QLĐTXD ngày 20.12.2013 của Sở NN&PTNT về phương án cải tạo đồng ruộng có tận thu đất sét tại khu vực Viên Quỳnh, UBND huyện Điện Bàn đã ra Quyết định số 8894/QĐ-UBND ngày 24.12.2013 phê duyệt phương án cải tạo đồng ruộng khu vực Viên Quỳnh. Khối lượng đất thừa khoảng hơn 2.300m3 được khai thác để bù đắp chi phí. UBND xã Điện Hồng đã ký hợp đồng kinh tế với nhà thầu nhận cải tạo đồng ruộng, kết hợp tận thu đất nguyên liệu sản xuất. Ông Tuân cho biết thêm, ngoài việc thực hiện đúng cam kết, nhà thầu đã chi các khoản đền bù mùa vụ sản xuất đông xuân (còn có hỗ trợ phân bón, giống) mà nhân dân đã thống nhất với 250kg lúa khô/sào, quy ra tiền 7 nghìn đồng/kg.
Trao đổi với một số hộ dân có đất tại khu vực Viên Quỳnh, phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận được sự đồng tình của nhân dân với chủ trương cải tạo lại cánh đồng nói trên. Ông Phạm Thanh Phường cho biết, cha ông có khoảng 1,5 sào đất canh tác lúa nơi đây nhưng không hiệu quả vì thiếu nước tưới. Sau khi xã, thôn tổ chức họp và thông báo chủ trương cải tạo cũng như phương án đền bù vụ đông xuân, gia đình ông thống nhất ủng hộ. Còn lão nông Lê Quang Tám phấn khởi nói: “Hộ tôi có 1,2 sào đất nhưng sản xuất bấp bênh. Mặt bằng chỗ cao chỗ thấp, làm lúa thì thiếu nước còn trồng hoa màu lại không sống nổi. Cánh đồng ni được cải tạo lại bằng phẳng, có đầy đủ giao thông nội đồng, hệ thống mương tưới sẽ rất thuận lợi cho sản xuất. Tôi rất ủng hộ và hiện đã nhận đủ tiền đền bù cho vụ đông xuân”.
Tại hiện trường, nhà thầu đã triển khai thiết bị, nhân lực khẩn trương thực hiện công việc. Phần đất được tận thu, đơn vị huy động hàng chục xe tải nhỏ chở ra khỏi khu vực Viên Quỳnh. Nhà thầu cũng giữ lại tầng đất mặt (độ dày khoảng 30cm) để phủ lên mặt ruộng sau khi hạ độ cao và tiến hành công việc theo kiểu cuốn chiếu. Ban nhân dân thôn cử người giám sát, đo đạc cao trình thực tế. “Không có chuyện xã khai thác đất để bán sai mục đích như thông tin một số người phản ảnh. Chúng tôi thực hiện mọi thủ tục liên quan đúng quy định, đáp ứng được nguyện vọng nhân dân và chỉ triển khai sau khi cấp trên ra quyết định cho phép” - ông Tuân khẳng định.
KHẢI KHIÊM