Trong những ngày qua, một số tờ báo phản ánh tình trạng khai thác gỗ trái phép tại rừng giống A Sờ (xã Ma Cooih, Đông Giang). Phóng viên Báo Quảng Nam đã làm việc với chính quyền địa phương để xác minh về thông tin này.
Theo biên bản kiểm tra, xác minh sự việc của đoàn công tác liên ngành huyện Đông Giang, không có chuyện rừng giống A Sờ bị phá tan hoang. |
Khi chúng tôi đặt vấn đề những thông tin phản ánh của các báo về việc khai thác gỗ trái phép tại rừng giống A Sờ, Đại tá Nguyễn Văn Tê - Phó Trưởng Công an huyện Đông Giang bức xúc. Ông Tê cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin đăng tải trên phương tiện truyền thông, chúng tôi lập tức thành lập đoàn công tác để kiểm tra, xác minh. “Ở trong bài báo, có nhiều nhân chứng kể về chuyện phá rừng, trong số nhân chứng có cả cán bộ kiểm lâm của Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương và cán bộ Đồn Công an A Vương. Tuy nhiên, trước đó chúng tôi chưa hề nhận được thông báo nào về tình trạng phá rừng cho đến khi bài báo được đăng. Là cán bộ công an, kiểm lâm, vậy tại sao khi biết việc phá rừng lại không báo cho chúng tôi xử lý” - ông Tê nói.
Không có đến 1.000m3 gỗ lim bị chặt phá
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh trên báo, chính quyền huyện Đông Giang đã thành lập đoàn liên ngành, tổ chức kiểm tra vào ngày 5.5 với sự tham gia của UBND, Công an, Hạt kiểm lâm, Phòng NN&PTNT huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương, chính quyền xã Ma Cooih… Qua kiểm tra xác minh, có 10 gốc cây đã bị đốn hạ. Tra cứu tọa độ của các cây gỗ bị đốn hạ trên bản đồ Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương xác định: các gốc cây số 01, 02 nằm tại khoảnh 1, tiểu khu 156; các gốc cây số 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09 và 10 nằm tại khoảnh 5, tiểu khu 158. Thời gian các gốc cây bị chặt hạ được xác định: các gốc cây gỗ số 01, 05, 06 đã bị chặt hạ trước đó từ hơn một năm, các gốc cây còn lại bị chặt hạ vào khoảng cuối năm 2014. |
Theo biên bản kiểm tra, xác minh sự việc của đoàn công tác, có tổng cộng 10 gốc cây đã bị đốn hạ, với 3 cây gỗ lim, 4 cây kiền kiền, một gỗ chò, một giáng hương và một cây gỗ tạp. Trong đó, chỉ có 3 cây mới bị đốn hạ, số còn lại đã rất cũ, vết cưa đã khô, nứt nẻ. “Như vậy, việc bài báo phản ánh về tình trạng khai thác rừng ồ ạt, với khối lượng gỗ lim lên đến 1.000m3 là hoàn toàn không chính xác. Trong khi đi kiểm tra, đoàn phát hiện có những cây gỗ tạp bị người dân đốn hạ để lấy tổ ong, thân cây khô vẫn còn nguyên chỗ cũ…” - ông Tê nói.
Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, khi nhận được thông tin, ông rất ngạc nhiên và ngay lập tức cùng đoàn công tác vào khu rừng để kiểm tra tình hình. “Tôi đã cho mời những người đã có phản ánh với phóng viên về tình trạng này đi theo, đưa chúng tôi đến những nơi mà họ đã phản ánh để xem thực trạng thế nào. Thậm chí, thấy bất cứ đường mòn nào chúng tôi đều đi theo để kiểm tra nhưng kết quả không như những gì các báo viết. Đây có thể gọi là những vụ khai thác trộm nhỏ lẻ và rải đều qua nhiều năm chứ không phải là ồ ạt khai thác một cách ngang nhiên với quy mô lớn như phản ánh…” - ông Tài nói.
Sẽ làm rõ
Rừng giống A Sờ cách thị trấn P’rao khoảng 20km về hướng tây nam, được xếp vào loại rừng quý hiếm. Rừng giống A Sờ được Nhà nước quy hoạch từ năm 2005 có diện tích 160ha thuộc khu vực rừng phòng hộ thủy điện A Vương, có những cây bản địa như: lim, chò, kiền kiền, xoan đào. |
Theo những gì báo nêu, thông tin phá rừng giống A Sờ mà phóng viên được cung cấp là từ chính những người trực tiếp quản lý rừng. Nói về điều này, ông Đỗ Tài cho biết: “Thực sự tôi chưa hiểu động cơ của những người này là gì. Nhưng nếu nói về trách nhiệm thì rõ ràng anh chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu biết về tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép như thế tại sao không báo cho lực lượng công an huyện, chính quyền địa phương? Khi dẫn chúng tôi vào kiểm tra thực tế tại hiện trường lại không chứng minh được những gì đã phản ánh”.
Ông Đỗ Tài cũng cho biết, chính quyền địa phương cũng đã có công văn yêu cầu những bên liên quan giải trình rõ ràng về việc có hay không những thông tin đã phản ánh trên mặt báo để báo cáo với UBND huyện trước ngày 15.5.2015. “Tôi khẳng định là có việc phá rừng. Nhưng ở mức độ rất nhỏ lẻ, hoàn toàn không có chuyện hơn 1.000m3 gỗ lim, làm tan hoang cả khu rừng giống A Sờ. Chính vì vậy, tôi muốn làm thật rõ ràng mọi chuyện, để chứng minh rằng chúng tôi không bao che, dung túng, biết mà không xử lý việc phá rừng” - ông Đỗ Tài nhấn mạnh.
NGUYỄN DƯƠNG