Tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra do sử dụng rượu bia “quá chén”, hay đường sá xuống cấp đã trở thành hiện thực, không còn là nguy cơ như ngành chức năng cảnh báo.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, ngoài các tổn thất về người, TNGT có liên quan đến rượu bia tại Việt Nam cũng gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế, khi mỗi ngày mất khoảng 250 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nước ta ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Cơ quan này cũng cho hay, có tới 70% số vụ tai nạn xảy ra xuất phát từ nguyên nhân lái xe đã sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Tại Quảng Nam, 11 tháng qua đã xảy ra 225 vụ tai nạn, khiến 153 người chết và 184 người bị thương; trong đó chưa thống kê cụ thể có bao nhiêu vụ liên quan đến sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê cho rằng, khả năng phải chiếm trên 50% trở lên. “Nghiên cứu của các nhà chuyên môn cho thấy, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe 10 - 30%. Từ đó giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ nên gia tăng mức độ rủi ro dẫn tới TNGT” - ông Trương Khuê cảnh báo.
“Đoạn đường đen” tiếp tục xuất hiện những điểm sụt lún. |
Bên cạnh đó, trong tháng 11, đầu tháng 12 này, những trận mưa to kéo dài nên lũ lụt tràn về gây hư hại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Ở khu vực miền núi, nhất là Bắc Trà My, Nam Trà My hay Tây Giang, độ dốc taluy lớn làm cho nước lũ chảy xiết cuốn theo khối lượng khủng đất đá, cây cối đổ xuống nền khiến giao thông bị chia cắt. Một số địa điểm khác, đường sá bị sụt lún, cầu cống quốc lộ 40B cũ kỹ sập gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Mặc dù đã xong phần thượng bộ, nhà thầu thi công cầu Bình Long trên tuyến ĐT609 (Điện Bàn - Đại Lộc) chưa thể nào đắp được đường dẫn lên hai đầu cầu vì mưa liên tục. Chỉ cần nước sông Thu Bồn vượt trên báo động 1 là tuyến đường dẫn tạm, được đắp dưới lòng con lạch cạn vào mùa khô bị nước tràn qua ngay. Phương tiện phải đi đường vòng trên đường giao thông nông thôn thuộc xã Điện Phước (Điện Bàn). Nhưng do bề mặt chật hẹp, xe buýt tuyến Tam Kỳ - Đại Lộc và ngược lại đành tạm dừng phục vụ hành khách, xe tuyến cố định đi TP.Hồ Chí Minh thì chạy ra tận TP.Đà Nẵng để vào nam.
Tại khu vực tuyến ĐT609 chui qua đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang xây dựng (địa bàn xã Điện Thọ, Điện Bàn), người điều khiển phương tiện rất khó khăn mới đi qua được, khi mà bùn đất tràn ra cộng thêm bề mặt gồ ghề trước “phản ứng chậm” của nhà thầu trong việc nạo vét, sửa chữa đảm bảo giao thông. Trên “đoạn đường đen” ĐT609B (dài khoảng 4,5km từ ngã ba Đại Hiệp đi ngã ba Hòa Đông, Đại Lộc) ngày càng có nhiều điểm sụt lún, vũng sâu lầy lội. Mặc dù đơn vị quản lý đường cố gắng sửa chữa, song hàng trăm xe tải nặng chở cát ra TP.Đà Nẵng phá ngay những “miếng vá” chỉ bằng đá cấp phối. Tỉnh chi tiền để sửa chữa lớn bằng bê tông xi măng một vài đoạn hư hỏng quá nặng, nhưng nhiều điểm khác lân cận tiếp tục bị nát do “đoạn đường đen” đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện trạng, mặt đường một số đoạn tuyến dưới ngã ba Hòa Đông (thị trấn Ái Nghĩa), khu vực phía đông cầu Đại Hiệp và trước cổng vào chợ Đại Hiệp (xã Đại Hiệp) sụt lún nặng. Với thực tế như thế này, cầu Giao Thủy dự kiến đưa vào sử dụng tháng 3.2017 sẽ khiến tình hình lưu thông qua “đoạn đường đen” ra hướng TP.Đà Nẵng khó đảm bảo an toàn.
SÁU CÒI