Không để bệnh sởi lây lan

XUÂN HIỀN 28/03/2019 07:07

Đã xuất hiện các ca dương tính với bệnh sởi trên địa bàn Quảng Nam. Nỗ lực khống chế, không để bệnh sởi lây lan trên diện rộng cũng như triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella ở những vùng có nguy cơ cao đang được ngành y tế triển khai.

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để tránh dịch sởi lây lan. Ảnh: X.HIỀN
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để tránh dịch sởi lây lan. Ảnh: X.HIỀN

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), đến thời điểm ngày 22.3, cả tỉnh phát hiện 5 ca dương tính với bệnh sởi. Số bệnh nhân mắc sởi này sinh sống tại các xã Tam An, Tam Đàn (Phú Ninh), An Phú, Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) và Tiên Lộc (Tiên Phước), độ tuổi từ 20 - 32. Qua thông tin hồ sơ bệnh án ban đầu, tất cả số người này đều không được tiêm ngừa vắc xin sởi. “Trong số 5 ca dương tính với sởi, có một trường hợp làm việc ở TP.Hồ Chí Minh về quê ăn tết. Từ đầu tháng 1 đến nay, CDC Quảng Nam ghi nhận có 16 ca sốt phát ban nhập viện tại các cơ sở khám chữa bệnh và đều được chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang. Số ca mắc nằm rải rác tại các nơi nên hiện tại Quảng Nam vẫn chưa công bố ổ dịch” - ông Huỳnh Công Quang, Phó Giám đốc Trung tâm CDC Quảng Nam nói.

Theo chỉ đạo của Sở Y tế, các trung tâm y tế tuyến huyện cần nhanh chóng thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Hiện tại, ngành y tế đang triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ hoặc các cơ sở y tế... tùy vào điều kiện từng địa phương với tổng số liều vắc xin sởi - rubella lên đến trên 122 nghìn liều cho 11 huyện, thị xã được xem là vùng có nguy cơ cao.

Dịch sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm/lần và năm 2019 nằm trong chu kỳ dịch; đặc biệt, hiện nay trên phạm vi cả nước, bệnh sởi đang có dấu hiệu gia tăng ở người lớn. Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, có hai đối tượng người lớn dễ mắc sởi là do chưa từng tiêm vắc xin sởi hoặc chưa mắc sởi lúc còn nhỏ nên chưa có miễn dịch đầy đủ. Do đó, những đối tượng người lớn này khi nằm trong vùng có sởi sẽ dễ mắc bệnh. Với Quảng Nam, số liệu thống kê cho thấy ca mắc sởi và số người có các triệu chứng sốt phát ban đang tập trung tại khu vực các địa phương phía nam của tỉnh như Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước. Đây chính là những vùng có nguy cơ cao cần phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa hợp lý. Ông Phan Đình Mỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh cho biết, đối với trường hợp 2 bệnh nhân của địa phương dương tính với sởi đang nằm viện tại Tam Kỳ, trung tâm hướng dẫn người nhà vệ sinh, nhắc nhở đưa trẻ trong gia đình đến tiêm phòng. “Với sự phối hợp cùng ngành giáo dục, hội phụ nữ, chính quyền các xã, từ ngày 24 - 29.3 chúng tôi triển khai tiêm phòng tại 11 xã thị trấn theo hình thức tổ chức tại trường học và trạm y tế. Những ngày tiếp theo đó sẽ tổ chức tiêm vét ở tất cả các đối tượng” - ông Mỹ nói.

Hiện nay, cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất vẫn là phải tiêm chủng vắc xin đầy đủ, kể cả ở người lớn và trẻ em. Ông Huỳnh Công Quang cho biết, Sở Y tế đã có công văn gửi các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác khám, phân loại... nhằm chủ động ngăn chặn, không để bệnh sởi xâm nhập, bùng phát mạnh. Trong đó, các cơ sở y tế phải thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi và bảo đảm đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh nhân.

XUÂN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không để bệnh sởi lây lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO