Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, huyện Duy Xuyên chủ động triển khai nhiều phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp như nắng nóng kéo dài gây ra hạn hán cục bộ, mưa lớn gây ngập lụt tại một số khu vực ở Duy Xuyên. Ảnh hưởng của thiên tai đang có chiều hướng tăng cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm, tác động không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai.
Dù đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả đối với các tình huống, tuy nhiên mưa lũ năm 2021 và đầu năm 2022 vẫn gây thiệt hại nặng cho sản xuất và đời sống người dân.
Toàn huyện có hơn 550ha lúa, 433ha hoa màu ngập sâu trong nước, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Hòa, Duy Trung, Duy Thu, Duy Sơn, Duy Phước. Ngoài ra, các đợt mưa bão đã khiến 3 nhà bè nuôi cá cố định trên sông Thu Bồn tại khu vực xã Duy Nghĩa bị đứt neo trôi dạt xuống cửa biển Cửa Đại. Một số công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, kè chống sạt lở bị hư hỏng nghiêm trọng… Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra hơn 29 tỷ đồng.
“Mùa mưa bão năm nay có nhiều diễn biến khó lường, dự báo lượng mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, địa phương sớm xây dựng các phương án đối phó, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, duy trì nghiêm chế độ báo cáo.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong nhân dân, Duy Xuyên chủ động hơn trong công tác dự báo, cảnh báo cho người dân nắm bắt kịp thời diễn biến thiên tai” - ông Trần Huy Tường nói.
Ông Trần Huy Tường cho biết, thời gian tới các ngành chức năng của huyện Duy Xuyên sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá lại mức độ an toàn các công trình xung yếu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng chống thiên tai.
Các địa phương chủ động nắm chắc số lượng hộ dân trong vùng nguy hiểm để xây dựng phương án di dời đảm bảo an toàn khi xảy ra bão lũ. Cùng với đó là kiện toàn, củng cố các đội cứu nạn, cứu hộ ở mỗi địa phương; chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị cần thiết ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả…