Không để bùng phát dịch sốt xuất huyết

PHƯƠNG GIANG 21/09/2015 08:56

Năm 2015 là năm có khả năng xảy ra dịch sốt xuất huyết theo “chu kỳ”. Trong khi đó, bệnh đang bùng phát ở các tỉnh thành trong cả nước với hàng chục nghìn ca nhiễm, nhiều người đã tử vong. Trước tình hình đó, công tác phòng chống dịch đã được ngành y tế và các địa phương trên địa bàn tỉnh cấp thiết đặt ra và khẩn trương thực hiện. Sự chủ động trong công tác phòng dịch, kịp thời dập tắt các ổ dịch không để lây lan giúp ngành y tế khống chế kịp thời các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

  • Khống chế kịp thời các ổ dịch sốt xuất huyết
  • Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết
  • Khống chế bệnh sốt xuất huyết
Phun thuốc khử trùng, diệt muỗi ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát ở Duy Xuyên. Ảnh: PHI THÀNH
Phun thuốc khử trùng, diệt muỗi ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát ở Duy Xuyên. Ảnh: PHI THÀNH

Tăng cường phòng chống

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến cuối tuần qua, toàn tỉnh đã xuất hiện tổng cộng 28 ổ dịch sốt xuất huyết với hơn 220 ca mắc bệnh, chưa có người tử vong do sốt xuất huyết. Nằm trong năm dự báo xảy ra dịch sốt xuất huyết theo chu kỳ dịch, nhưng số ca nhiễm sốt xuất huyết ở Quảng Nam vẫn trong mức kiểm soát, nhờ công tác chủ động phòng chống dịch ngay từ đầu năm. Ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Năm 2011 là năm bùng phát dịch sốt xuất huyết, Quảng Nam có với 3.500 ca mắc. Năm nay, những ổ dịch xuất hiện ở các địa phương đã được nhanh chóng khống chế, không để lây lan, nên đến nay tổng số ca mắc chỉ tăng khoảng vài chục so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trước tình trạng dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phố khác và gây ra tử vong, chúng tôi đã chủ động tăng cường phòng dịch, khuyến cáo người dân và các địa phương duy trì biện pháp phòng ngừa”.

Trước những diễn biến của dịch bệnh sốt xuất huyết trên cả nước, Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các cơ sở y tế trong cả nước đề nghị khẩn trương tiếp tục tổ chức tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue (SXHD)”. Đồng thời các cơ sở y tế củng cố và duy trì hoạt động của các “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Ngành y tế được yêu cầu bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh; chỉ đạo bệnh viện đa khoa, bệnh viện nhi, sản nhi của tỉnh tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên sâu về chẩn đoán, điều trị, hồi sức SXHD thể nặng.

Về phía địa phương, UBND tỉnh cũng đã có công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mới mắc, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.

Năm 2014, toàn tỉnh có gần 180 ca mắc rải rác trong năm. Sang năm 2015, dự báo xuất hiện nhiều mưa lũ, lại là năm nằm trong chu kỳ dịch, công tác phòng chống dịch được tập trung hàng đầu. Ông Huỳnh Công Quang - Trưởng khoa truyền nhiễm và vắc xin, sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng) cho biết, từ đầu năm, lượng hóa chất diệt muỗi, khử khuẩn, cloramin B khử khuẩn nước đã được phân bổ cho các đội phòng chống dịch. Khi có thông tin xuất hiện ổ dịch, trung tâm đã chỉ đạo tăng cường phun thuốc diệt muỗi, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, mắc màn chống muỗi, không để dịch lây lan. “Mùa mưa lũ ở Quảng Nam thường xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 12, là khoảng thời gian có nhiều điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Do đó, khi các ổ dịch sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện, nếu không được khống chế kịp thời sẽ dễ bùng phát thành dịch. Bên cạnh hoạt động của các đội phòng chống dịch ở địa phương, người dân cũng cần chủ động phòng tránh theo hướng dẫn của cán bộ y tế dự phòng” - ông Quang nói.

Không thể xem thường

Giữa tháng 8.2015, ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại xã Duy Hải (Duy Xuyên). Từ vài ca trong cùng một gia đình, dịch nhanh chóng lây lan, với hơn 20 ca bệnh, tập trung chủ yếu ở thôn An Lương 2. Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Trưởng trạm Y tế xã Duy Hải, người dân khi bị sốt thường tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi bệnh có biểu hiện nặng mới đến trạm y tế, khiến việc phát hiện, dập dịch chưa kịp thời. Ngay sau khi nhận được thông tin xuất hiện ổ dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xuống địa bàn, tổ chức đội phun thuốc diệt muỗi, tiêu độc khử trùng cho các hộ trong khu vực. Từ khi triển khai công tác phòng chống, dập dịch, đến nay trên địa bàn không phát hiện ca nhiễm mới, tuy nhiên việc phòng ngừa vẫn tiếp tục được tăng cường. Đầu tháng 9, huyện Duy Xuyên tiếp tục ghi nhận xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết khác tại xã Duy Nghĩa, với hơn 15 ca mắc bệnh. Trạm Y tế xã Duy Nghĩa đã phải chuyển lên tuyến trên 5 trường hợp, đồng thời triển khai phun thuốc dập dịch, tuyên truyền vận động người dân tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết như diệt trừ lăng quăng, mắc màn chống muỗi. Nhờ sự quyết liệt của tuyến y tế dự phòng huyện và sự hỗ trợ kịp thời từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, ổ dịch này cũng nhanh chóng được khống chế, không để xuất hiện ca bệnh mới, lây lan dịch trong cộng đồng.

Theo thống kê, trên toàn tỉnh đã có 10/18  huyện, thị xã, thành phố xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó chủ yếu phân bố ở đồng bằng, ven biển. Đến nay, toàn bộ ổ dịch đã được khống chế. Ngành y tế cũng đã chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, hỗ trợ các địa phương nhằm tập trung ngăn ngừa dịch lan rộng, kéo dài. Ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo, sốt xuất huyết là loại bệnh rất nguy hiểm, lây truyền từ người sang người bởi muỗi vằn. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Thông thường, biểu hiện đầu tiên của bệnh là sốt, có thể dùng paracetamol hạ nhiệt nhưng chỉ được thời gian ngắn, sau đó tiếp tục sốt cao, liên tục từ 2 đến 7 ngày. Từ ngày thứ hai trở đi bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Các ngày sau, triệu chứng rõ ràng hơn. Một số người có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng, nguy cơ tử vong cao. “Bệnh sốt xuất huyết có một số biểu hiện dễ nhầm lẫn với bệnh sốt thông thường, do đó người dân khi có các biểu hiện mắc sốt xuất huyết hoặc bị sốt khi đang sống trong vùng lưu hành dịch bệnh cần đến ngay sơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm” - ông Hoàn nhấn mạnh.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không để bùng phát dịch sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO