Thương thuyết, tuyên truyền, vận động. Nếu không hợp tác, lên phương án cưỡng chế. Không thể để nhà đầu tư nản lòng, chờ đợi quá lâu vì sự chậm trễ của cơ quan công quyền. Đó là những điều được đề cập nhiều nhất trước trong một phiên tiếp xúc doanh nghiệp mới đây!
Lại vướng chuyện mặt bằng
Kế hoạch đưa toàn bộ dự án nhà máy sản xuất bao bì carton tại Cụm công nghiệp Thương Tín (Điện Bàn) hoạt động vào quý I.2019 của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ bao bì carton Hồng Đào (Hồng Đào Đà Nẵng) không thể thực hiện. Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Bình nói doanh nghiệp đã rất cố gắng hợp tác với cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ hết mức có thể, nhưng dự án không thể tiến triển được bao nhiêu, kể từ tháng 10.2017 đến nay vì gặp ách tắc giải phóng mặt bằng.
Khu vực núi Bà Thi, Ba Hố (tiểu khu 592, xã Tam Xuân 2) thuộc quyền “quản lý” của Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu liên tục bị một số dân địa phương trồng cây lấn chiếm. Tòa tuyên thắng sau vài vụ khởi kiện nhưng chưa thể thi hành án nên doanh nghiệp bất lực trước tình trạng này.
Dự kiến nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 phát điện vào tháng 6.2020 bị “đổ bể”. Nhà máy đã xây dựng hơn 95% khối lượng, chuẩn bị cho công tác tích nước (ngày 10.6.2020), nhưng cho đến giờ Tiên Phước, Hiệp Đức vẫn không thể chốt được danh sách, chi trả bồi thường cho các hộ vướng trong lòng hồ để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4 - Trần Quốc Hoàn nói, chính quyền địa phương cam kết sẽ bàn giao mặt bằng đầu tháng 6.2020, nhưng hiện thời vẫn không có gì thay đổi, thể hiện sự thiếu quan tâm. Dự án chậm ngày nào, doanh nghiệp thiệt hại càng lớn.
Khu đô thị Nồi Rang (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) của Công ty CP Đạt Phương Hội An đã hoàn tất hạ tầng 90%, nhưng chỉ vì vướng mắc khoảng 3.000m2 đất chưa giải phóng mặt bằng nên buộc lòng phải dừng cả dự án. Tổng Giám đốc Đỗ Mạnh Hùng cho biết, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng kéo dài đã 4 năm vẫn không thể giải quyết dứt điểm để bàn giao đất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã sẵn sàng tất cả về chuyện bồi thường giải tỏa, nộp tiền trồng rừng thay thế… nhưng khiếu kiện liên miên, gây sức ép ảnh hướng tiến độ dự án.
Ý định mở rộng đầu tư sản xuất lên Cụm công nghiệp Đại An (Đại Lộc) của Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung - chủ dựa án nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu ở Cụm công nghiệp An Lưu (Điện Bàn) cũng gặp bế tắc khi không thể thương thảo được với doanh nghiệp “giữ” đất tại khu vực này!
“Nếu cần, sẽ cưỡng chế!”
Không như những kiến nghị của lâm đặc sản xuất khẩu hay Hồng Đào Đà Nẵng có thể dễ dàng thực hiện khi chính quyền thông báo sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu trách tiến hành tháo gỡ cho doanh nghiệp thì kiến nghị của các doanh nghiệp còn lại không thể giải quyết ngay trong một phiên tiếp xúc.
Các chính quyền địa phương viện dẫn nhiều lý do chậm trễ trong việc xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp. Đại diện chính quyền Tiên Phước, Hiệp Đức cho hay khu vực này hiện có quá nhiều dự án, thiếu nhân lực, lại sai số trong quá trình đo vẽ, điều chỉnh thay đổi diện tích… nên tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, địa phương cam kết sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư vào 30.6.2020. Nếu người dân không chịu hợp tác sẽ xin ý kiến UBND tỉnh cưỡng chế.
Ông Trương Công Trái - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Đại Lộc nói, địa phương đã rất nhiều lần mời Công ty Đại Phước Xanh lên bàn giao đất, nhưng doanh nghiệp không chịu hợp tác, không lên gặp và cũng không phản hồi. Chính quyền địa phương không làm gì được vì không đủ thẩm quyền xử lý tài sản trên đất (nhà xưởng của Đại Phước Xanh).
Còn ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, hiện còn ít hộ ảnh hưởng của khu đô thị Nồi Rang chưa chấp nhận phương án di dời, hết yêu sách này đến yêu sách khác và khiếu liện. Lời “kêu cứu” của Đạt Phương, Sông Tranh 4 hay Công nghiệp hỗ trợ miền Trung không phải lần đầu tiên. Các địa phương đã cam kết, hứa hẹn thực hiện. UBND tỉnh đã ra các kết luận, yêu cầu các địa phương thực hiện, nhưng rốt cuộc đâu vẫn hoàn đấy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định, mọi yêu cầu chính đáng của người dân, kiến nghị của doanh nghiệp sẽ phải được giải quyết theo đúng trình tự, quy định pháp lý. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến không đồng nhất giữa các bên liên quan, nên chính quyền, cơ quan quản lý (tỉnh, huyện) sẽ phải tiến hành rà soát, kiểm tra, xem xét hồ sơ, thủ tục pháp lý của các dự án đầu tư, trình lãnh đạo tỉnh quyết định. Có thể sẽ ban hành các quyết định chủ trương đầu tư mới trên cơ sở kế thừa các quyết định cũ, rộng đường cho doanh nghiệp tiến hành mở rộng đầu tư các dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân ấn định cho Tiên Phước ngày 30.6.2020 và Hiệp Đức ngày 20.6.2020 sẽ phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Theo ông Tân, cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, không thể để quá lâu khiến doanh nghiệp bị thiệt hại và nản lòng vì sự chậm trễ thực thi công cụ của các cơ quan công quyền. Các địa phương tiếp tục vận động, thuyết phục thực hiện với các chế độ cao nhất. Nhưng nếu không chịu hợp tác (doanh nghiệp và dân chúng) thì củng cố hồ sơ pháp lý cụ thể, đầy đủ, tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định, không thể chờ đợi mãi được. Phải bàn giao mặt bằng, xử lý vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất có thể. Giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân nhưng bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư. Không để tình trạng rắc rối này kéo dài không hồi kết!