Mọi kiến nghị của doanh nghiệp phải được các cơ quan quản lý, chính quyền sở tại trả lời, xử lý nhanh chóng, đúng luật. Đó là vấn đề được đề cập nhiều nhất tại buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 4.2021 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang chủ trì vào sáng qua 6.4.
Doanh nghiệp kiến nghị
Xuất khẩu bị đứt gãy, thị trường nội địa bị ép giá dẫn đến thua lỗ kéo dài (năm 2020 lỗ hơn 1,1 tỷ đồng), ngân hàng tái cơ cấu khoản nợ chậm đã đẩy Công ty CP Giao thương Quảng Xưa buộc phải tạm ngừng hoạt động nội bộ từ ngày 1.8.2020 đến nay.
Doanh nghiệp này lâm vào cảnh thiếu tài chính để thanh toán cho đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị đầu tư, mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (đã ký hợp đồng với hãng Mũnch của Đức hồi tháng 11.2019). Doanh nghiệp cũng đã huy động mọi nguồn lực từ các cổ đông, người thân góp sức tháo gỡ khó khăn cho đầu tư giai đoạn 2 của dự án, nhưng vẫn không thể xử lý nổi.
Ông Lưu Văn Xưa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Giao thương Quảng Xưa đề nghị chính quyền Quảng Nam bố trí nguồn vốn địa phương hỗ trợ kinh phí còn lại của dự án Nhà máy Sản xuất gỗ viên nén năng lượng theo Nghị định số 210 ngày 19.12.2013 của Chính phủ để thanh toán cho nhà thầu cung ứng máy móc thiết bị và làm vốn đối ứng cho khoản vay với Ngân hàng SHB tài trợ cho vay đầu tư giai đoạn 2 dự án.
Không chỉ “xin hỗ trợ tiền”, Công ty CP Giao thương Quảng Xưa cũng đề nghị được giãn tiến độ giai đoạn 2 dự án với lý do: đối tác chưa thể hoàn thành tiến độ bàn giao và lắp đặt máy vào ngày 10.2.2021 vì nhà máy chế tạo nằm trung tâm dịch, ngừng hoạt động (hãng Mũnch đã có văn bản gửi công ty này xin gia hạn thời gian bàn giao và lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất đến ngày 10.5.2021).
Ông Trần Đình Hoàng, chủ hộ kinh doanh Trung tâm Tổ chức tiệc cưới Xưa và Nay kiến nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn thành thủ tục thuê đất, khởi công dự án Nhà hàng tiệc cưới Xưa và Nay tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình).
Theo ông Hoàng, đất đai nhà ông dự định đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu (tại Bình Quý) đã được UBND tỉnh thống nhất quy hoạch, cơ bản hoàn thành các thủ tục, chuẩn bị đầu tư, nhưng bị ảnh hưởng bởi dự án đường nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi quốc lộ 1A.
Qua các cuộc đối thoại, chính quyền tỉnh, huyện hứa sẽ tạo điều kiện cho gia đình khảo sát, tìm vị trí thuận lợi để xây dựng cửa hàng xăng dầu mới. Tuy nhiên, những cuộc kiếm tìm địa điểm mới bất thành, ông Hoàng đã lập dự án Trung tâm tiệc cưới Xưa và Nay tại khu phố 4, Hà Lam (Thăng Bình).
Dự án này đã được huyện Thăng Bình thống nhất thỏa thuận nghiên cứu đầu tư, mọi thủ tục đã được tiến hành đúng luật về việc xây dựng trung tâm này thay thế cửa hàng xăng dầu tại Bình Quý. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, hiện mọi vướng mắc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm để hộ này có thể hoàn tất hồ sơ pháp lý đầu tư, khởi công dự án.
Giải quyết cụ thể
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, nhà nước đã thu hồi đất của ông Hoàng cho dự án công cộng, làm mất đi cơ hội đầu tư xây dựng dự án cửa hàng xăng dầu của gia đình và ông đã chấp hành bàn giao đất thu hồi cho nhà nước.
Các cuộc kiểm tra thực địa và các cuộc làm việc, sở này đã đề nghị UBND huyện Thăng Bình có “văn bản thống nhất lại” trong tập thể lãnh đạo huyện về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm tiệc cưới Xưa và Nay tại Hà Lam, thay thế cửa hàng xăng dầu tại Bình Quý. Tuy nhiên, UBND huyện Thăng Bình vẫn chưa có văn bản phúc đáp nên sở chưa có cơ sở tham mưu UBND tỉnh giải quyết.
Nhu cầu đầu tư của ông Trần Đình Hoàng được xác nhận là chính đáng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói, căn cứ các văn bản, quyết định từ tỉnh cho tới huyện đều thống nhất, đồng thuận với dự định mở nhà hàng của ông Hoàng. Chỉ cần chính quyền huyện ra một quyết định hoặc công văn “thống nhất” gửi Sở Tài nguyên - môi trường trình UBND tỉnh giải quyết là xong, nhưng tại sao không làm?
Sự việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của cả Quảng Nam. Ông Quang ấn định cho chính quyền Thăng Bình, chậm nhất giữa tuần sau, phải có văn bản trả lời chính thức cho doanh nghiệp. Không thể để nhà đầu tư phải chờ đợi quá lâu cho một việc dễ dàng quyết định.
Kiến nghị “xin hỗ trợ tiền” của Công ty CP Giao thương Quảng Xưa bất thành, trừ chuyện giãn tiến độ giai đoạn 2 dự án. Theo Nghị quyết 45/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định 522/QĐUBND của UBND tỉnh thì không hỗ trợ đầu tư những dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 1.1.2016. Trong khi đó, dự án của Công ty CP Giao thương Quảng Xưa đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 2.7.2014.
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, dự án không thuộc diện hỗ trợ của ngân sách tỉnh. Nhưng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị xem xét bố trí vốn hỗ trợ còn lại từ ngân sách trung ương cho dự án, tuy nhiên đến nay bộ chưa trả lời. Sở sẽ tiếp tục cùng doanh nghiệp làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư để bổ sung vốn, còn chuyện được hay không vẫn phải chờ đợi phản hồi từ Trung ương.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, dự án của doanh nghiệp đã được thẩm định và hưởng cơ chế hỗ trợ của trung ương, nên ngân sách tỉnh không thể hỗ trợ. Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp, rà soát, trả lời bằng văn bản chính thức cho doanh nghiệp (không chỉ Công ty CP Giao thương Quảng Xưa) biết cụ thể về cơ chế khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn của địa phương để khỏi thắc mắc hay kiến nghị nhiều lần.
Ông Quang đồng ý cho doanh nghiệp giãn tiến độ dự án. Tuy nhiên đây là lần thứ 7 doanh nghiệp xin giãn tiến độ nên cần rà soát, nêu các nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ và khả năng có thể thực hiện được giai đoạn 2 hay không để chính quyền có văn bản chính thức. Thời gian giãn tiến độ bao nhiêu tùy lựa chọn phù hợp với khả năng tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.