Không để phát sinh nợ đọng

TRỊNH DŨNG - CHÁNH LÂM 08/07/2015 09:13

Kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư năm 2015 rất khó hoàn thành khi hiện vẫn còn khá nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0% và nhiều vướng mắc tiếp tục nảy sinh.

Vướng mắc đầu tư

Theo UBND tỉnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng qua đã đạt trên 7.970 tỷ đồng, bằng gần 43% kế hoạch năm, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2014. Tính đến ngày 30.6.2015, tổng số vốn giải ngân từ nguồn ngân sách địa phương quản lý là 2.802 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch, tăng 8% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thừa nhận tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhiều danh mục công trình, chương trình có mức phân bổ vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân quá thấp, không chỉ ở công trình chuyển tiếp mà công trình mới cũng lâm vào tình trạng này. Hiện có 47 công trình giải ngân 0% (10 công trình mới), 92 công trình giải ngân dưới 50% (34 công trình mới).

Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều dự án bị vướng mắc, một số dự án mới năm 2015 chỉ trong giai đoạn tổ chức đấu thầu… là cơ chế, chính sách của Nhà nước có những điều chỉnh, thay đổi. Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay kể từ ngày 1.1.2015, Luật Xây dựng có hiệu lực. Các dự án đầu tư phải qua lại các sở chuyên ngành (xây dựng, GTVT, NN&PTNT, công thương) để thẩm định dự án đầu tư xây dựng và thẩm định dự toán thiết kế, trình UBND tỉnh phê duyệt, nên mất nhiều thời gian so với quy định cũ. Theo Luật Đấu thầu, các gói tư vấn có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, thay vì 3 tỷ đồng như trước kia đã làm kéo dài thời gian thực hiện dự án. Mỗi gói đấu thầu rộng rãi, nếu làm nhanh ít nhất cũng phải mất 45 ngày. Thời gian lập dự toán công trình bị kéo dài do không thể xác định được đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình hay thiếu các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu đã khiến địa phương lúng túng, khó triển khai, làm chậm tiến độ công trình.

Cầu Cửa Đại, đường cứu hộ, cứu nạn sẽ được tập trung vốn để hoàn thành, thông tuyến vào cuối tháng 9 năm nay. Ảnh: T.D
Cầu Cửa Đại, đường cứu hộ, cứu nạn sẽ được tập trung vốn để hoàn thành, thông tuyến vào cuối tháng 9 năm nay. Ảnh: T.D

Tồn tại dai dẳng luôn được đem ra mổ xẻ, phân tích vẫn là chuyện trì trệ của giải phóng mặt bằng và tái định cư. Chính quyền, cơ quan quản lý, địa phương phải mất nhiều thời gian để giải quyết tranh chấp, đôi lúc phải dùng đến biện pháp bảo vệ thi công, cưởng chế mới giải quyết dứt điểm khó khăn, phức tạp này. Toàn bộ những khúc mắc ấy đã tác động đến tiến độ đầu tư.

Chủ động giải ngân

Thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho thấy mặc dù kế hoạch vốn năm 2015 đã được giao khá sớm, song tỷ lệ giải ngân 4 cấp ngân sách không cao. Việc giải ngân chậm phần lớn do các ban quản lý, chủ đầu tư thiếu quyết liệt đôn đốc thi công, giải ngân. Năng lực thẩm định dự án, xác định giá đất đền bù của cơ quan quản lý còn khá nhiều bất cập. Tình trạng phê duyệt dự án không xác định rõ nguồn, vượt quá khả năng cân đối vẫn xảy ra. Hiện có 4 dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư nhưng chưa bảo đảm nguồn để triển khai thực hiện năm 2015 và trên 10 dự án phê duyệt từ năm 2014 trở về trước vẫn chưa được bố trí nguồn đầu tư. “Việc phân cấp quản lý trong đầu tư xây dựng cơ bản đã tạo quyền chủ động cho địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, trách nhiệm của một số chủ đầu tư, chính quyền địa phương một vài nơi chưa cao, nên công tác tổng hợp, đánh giá, quản lý vốn đầu tư gặp khó khăn. Nguồn lực bị phân tán, khó kiểm soát nợ và việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện sau phân cấp chưa được chú trọng” - ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho biết.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đều cam kết sẽ hoàn tất việc giải ngân 100% kế hoạch vốn trước khi kết thúc năm. Nhưng chắc chắn, dù cố gắng bao nhiêu nữa cũng không thể đủ khả năng giải ngân hết nguồn vốn này theo kế hoạch khi chỉ còn vài tháng nữa là vào mùa mưa. Số dự án có nguy cơ bị trung ương cắt, thu hồi hay điều chuyển vốn (điều này đã từng xảy ra trong một vài năm trước) sẽ không nhỏ là điều đã dự báo. Ông Trần Văn Tri cho rằng nếu tình trạng sách nhiễu, nhiêu khê trong thủ tục đầu tư xây dựng vẫn xảy ra thì khó đẩy nhanh tiến độ dự án. Thiếu kế hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng ách tắc, không thể đền bù được thì đừng nói gì đến chuyện thi công hay giải ngân.

Trước khó khăn này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã yêu cầu phải bảo đảm thực hiện đạt 100% kế hoạch năm. Không để tình trạng kết dư sang năm 2016 và để trung ương thu hồi vốn. UBND tỉnh sẽ cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân hết 100% vốn trong kế hoạch. Thời hạn cuối cùng là đến 15.8.2015 cho các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% và đến 30.9.2015 cho dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương và ban quản lý cần rà soát mức độ hoàn thành và khả năng cân đối nguồn vốn cho các dự án chuyển tiếp. Bố trí vốn đầu tư dứt điểm cho dự án thực sự hiệu quả có mức vốn hoàn thành không lớn. Xem xét khả năng cân đối nguồn vốn, xử lý phù hợp với những công trình dở dang nhưng có vốn đầu tư còn lại lớn. Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong mùa nắng, khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục giải ngân vốn đầu tư khối lượng công trình hoàn thành. Chậm nhất trong tháng 7.2015, các dự án khởi công mới phải hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước khi triển khai thi công và giải ngân vốn đầu tư, nhất là 47 dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0%.

TRỊNH DŨNG - CHÁNH LÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không để phát sinh nợ đọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO