Tăng trưởng xanh đã được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển của Quảng Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa, thúc đẩy “xanh hóa” sản xuất, kinh doanh vẫn là bước đi đầy gian nan.
Việt Nam đã tuyên bố tại Hội nghị COP 26 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nhiều chính sách, quy định pháp luật thúc đẩy nền kinh tế hướng đến phát triển xanh, bền vững môi trường đã được ban bố. Tuy nhiên, thực thi hiệu quả hay không phụ thuộc vào năng lực quản trị địa phương.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự cam kết và tính chủ động cao của Quảng Nam trong kế hoạch phát triển bền vững sẽ chính là cơ hội để địa phương tiếp cận vốn đầu tư từ sự chuyển hướng của các nhà tài trợ khi tăng gấp đôi tài chính cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Chính quyền sẽ đủ nguồn lực để tạo ra một hệ thống hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật, xã hội), có thể định hướng thu hút đầu tư có sự chọn lọc, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao..., nhưng rất khó để kiểm soát hay đặt vấn đề thẳng thắn về chứng chỉ công nghệ xanh của các nhà đầu tư dự định triển khai các dự án tại địa phương.
Trên thực tế, các hoạt động công nghiệp xanh đều tốn kém. Đại đa số mô hình kinh doanh thuộc công nghiệp xanh thường chưa được thử nghiệm hoặc thông dụng.
Cơ chế tài chính hiện nay tỏ ra khó khăn trong việc cung cấp tài chính hoặc tài trợ cho hoạt động của công nghiệp xanh. Sự can thiệp của các cơ quan công quyền để cơ chế tài chính xanh đạt được tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường là điều cần thiết.
Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để có hiệu quả đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và hàm lượng kiến thức chuyên ngành sâu; ngân sách công chỉ có thể cung cấp cho việc đầu tư, mua sắm xanh. Còn tài chính doanh nghiệp cho hoạt động này phần lớn phụ thuộc vào “tài trợ vốn” của hệ thống ngân hàng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ra những quy định khắt khe hơn với hàng nhập khẩu. Xu hướng xanh đã định hình luật chơi mới, buộc doanh nghiệp định hướng xuất khẩu ra thị trường thế giới phải thay đổi, chuyển hướng đầu tư, sản xuất với chi phí cao hơn.
Theo khảo sát của VCCI, tính trung bình, doanh nghiệp xuất khẩu phải bỏ ra 1,4%/tổng chi phí vận hành để thực hiện các hoạt động xanh hóa, so với con số 1% hoặc ít hơn nhiều của nhóm doanh nghiệp cung ứng sản phẩm ở thị trường nội địa.
Tại Quảng Nam số doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 10 - 20%/tổng số doanh nghiệp phải chịu áp lực chuyển đổi. Số doanh nghiệp còn lại sẽ ít quan tâm hơn nhiều đến áp lực chuyển đổi xanh.
Có thể hiểu, mục tiêu cao nhất của doanh nghiệp là lợi nhuận. Các khảo sát cho thấy, doanh nghiệp sẽ chỉ thực sự có động lực để đầu tư lớn, chuyển đổi sang quy trình sản xuất, kinh doanh xanh khi thị trường đánh giá cao, đón nhận sản phẩm xanh có giá cao hơn các sản phẩm cùng phân khúc sản xuất theo quy trình, công nghệ thông thường. Điều thực sự cần thiết, không chỉ doanh nghiệp được thuyết phục phải chuyển đổi mà người tiêu dùng cũng cần phải nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.
Từ đó ngày càng nhiều người tiêu dùng chọn lựa đánh đổi lợi ích chi tiêu trước mắt để góp phần tạo dựng sự bền vững môi trường lâu dài, buộc doanh nghiệp gây ô nhiễm, sản phẩm thiếu chất lượng phải chịu trách nhiệm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, thì mới không khó để thấy cả nền kinh tế vận hành, chuyển đổi theo sản xuất, kinh doanh xanh.