Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại buổi làm việc với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) diễn ra vào sáng qua 21.5.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, nếu việc quản lý buông lỏng, thiếu kiểm soát khiến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan thì bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ là nạn nhân của ngộ độc thực phẩm. Vì thế, cùng với việc tăng cường công tác quản lý, thanh tra các mặt hàng trên thị trường, các cơ quan chuyên môn, nhất là Chi cục ATVSTP tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả công tác.
“Công tác kiểm tra, thanh tra phải được tăng cường và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đặc biệt, công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học, cơ sở y tế cũng phải được chú trọng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.
Để công tác ATVSTP tiếp tục phát huy hiệu quả, bên cạnh trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân lưu ý, các cấp, ngành cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo ATVSTP ở các địa phương. Riêng Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP), cần tiếp tục xây dựng, ban hành các quy chế, kiện toàn nhân sự và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành của ban chỉ đạo. Đồng thời tham mưu, chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị liên ngành trong việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo ATVSTP để quản lý hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với nhóm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần thiết lập đường dây nóng, công khai số điện thoại để người dân, tổ chức và các cơ quan truyền thông biết, phản ánh nội dung liên quan khi cần thiết.
“Phải thanh tra, kiểm tra đột xuất nhiều hơn đối với các ngành hàng thuộc phạm vi quản lý và đặc biệt chú trọng kiểm tra thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể tại các khu, cụm công nghiệp, du lịch, lễ hội và các sự kiện lớn. Đồng thời, xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm, kết quả xử lý để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Các cá nhân, đơn vị cơ quan nhà nước nếu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATVSTP cũng phải được thanh tra, báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý, chấn chỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói thêm.
Báo cáo của Chi cục ATVSTP tỉnh cho thấy, thời gian qua, công tác ATVSTP luôn được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngoài phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về ATVSTP thuộc thẩm quyền, Chi cục ATVSTP tỉnh cùng lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại nhiều địa phương trong tỉnh, kịp thời xử lý những sai phạm tại các cơ sở kinh doanh. Theo đó, đã xử lý 149 cơ sở vi phạm; đình chỉ hoạt động 1 cơ sở và xử phạt 20 cơ sở với số tiền 25 triệu đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán 2020, đã kiểm tra 4.331/22.203 cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở sản xuất bánh kẹo, rượu thủ công, nước uống đóng chai, kinh doanh ăn uống… Qua đó, phát hiện 563 cơ sở vi phạm, xử lý 149 cơ sở, phạt tiền hơn 25 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Đây - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, hiện trên địa bàn miền núi vẫn xuất hiện một số cơ sở thực phẩm chưa thực hiện đúng các quy định về ATVSTP. Trong đó, chủ yếu là môi trường sản xuất, kinh doanh chưa đảm bảo vệ sinh; các sản phẩm bánh kẹo có đồ chơi trẻ em được lồng ghép vào bánh kẹo không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; một số mặt hàng thực phẩm hết hạn sử dụng nhưng vẫn bày bán tại các tạp hóa…