(QNO) - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lê Văn Dũng nêu rõ quan điểm trên khi thảo luận trực tuyến về các dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hải Phòng và 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (khóa XV) diễn ra sáng nay 27.10.
Tán thành với việc Quốc hội xem xét bạn hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương nêu trên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng nói: "Một đất nước muốn phát triển mạnh thì phải có những địa phương phát triển mạnh, đóa là điều tất yếu.
Ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội (khóa XIV) đã đề ra cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng - 3 trung tâm lớn ở 3 vùng đất nước, rất phù hợp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội (khóa XV), thảo luận và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và TP.Hải Phòng là phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị và phù hợp với thực tiễn của các địa phương này".
Thảo luận về các nội dung cụ thể, đại biểu Lê Văn Dũng không đồng tình về cơ chế thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức TP.Hải Phòng. Bởi, nếu thực hiện cơ chế này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về thu nhập với các địa phương khác.
“Dẫu biết rằng Quốc hội khoá trước đã đồng ý với TP.HCM và Hà Nội, nhưng tôi thấy cũng là cán bộ, công nhân viên chức nhưng địa phương này được, địa phương khác không được là thiếu hợp lý. Nếu cho rằng các địa phương, thành phố có giá trị đắt đỏ thì tôi đề nghị là nếu các tỉnh/thành phố này được hưởng thì các thành phố trực thuộc tỉnh khác cũng phải được hưởng cơ chế chính sách này" - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng nêu ý kiến.
Cũng theo đại biểu Lê Văn Dũng, nếu cho rằng các thành phố này đông dân, đông đơn vị hành chính, khó quản lý và khó thu hút nhân tài thì ông đề nghị Thanh Hoá và Nghệ An cũng phải được hưởng cơ chế này mới đồng bộ. Việc thực hiện cơ chế này là bất bình đẳng đối với cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị của đất nước ta.
Về cơ chế ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh có số thu hoạt động xuất nhập khẩu, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Quốc hội nên ủng hộ cho các địa phương nêu trên; nhất là đối với hai tỉnh lớn Thanh Hoá và Nghệ An có thể để lại 100% nguồn thu từ hoạt động này. Trong trường hợp không để lại 100%, thì đề nghị nên bỏ cụm từ “không quá” và nghị quyết nên quy định cụ thể là 70% để đầu tư nguồn lực cho các địa phương này phát triển.
Thảo luận tại điểm cầu hội trường trung tâm (Hà Nội), ĐBQH tỉnh Tạ Văn Hạ đề nghị các dự thảo nghị quyết nêu trên cần bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để làm cơ sở, căn cứ giám sát, đánh giá được kết quả, hiệu quả của việc ban hành các cơ chế này.
“Nghị quyết đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo tôi cần quy định trách nhiệm của người đứng đầu, thậm chí cả chế tài để cho việc tổ chức thực hiện đúng, nghiêm và có hiệu quả các nghị quyết này. Việc ban hành nghị quyết là cơ hội, nhưng cũng sẽ là thách thức đối với các địa phương nếu người đứng đầu không nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện” – ông Hạ nói.