Liệu có kịp thời cấp vốn đến người nghèo, không để tồn đọng vốn, kéo nợ xấu về 0,03%... là những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại hội nghị trực tuyến Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì sáng qua 11.10.
Chia sẻ gánh nặng cho dân nghèo
Ông Nguyễn Quang Dinh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam khẳng định nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các đối tượng thụ hưởng. Không chỉ dựa nguồn vốn cấp từ trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam đã nhanh chóng tham gia thị trường huy động vốn với con số huy động không nhỏ. Chỉ trong 9 tháng qua, ngân hàng đã huy động theo lãi suất thị trường khoảng 203,2 tỷ đồng (tăng hơn 34,1 tỷ đồng so với đầu năm). Nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân khoảng 113,8 tỷ đồng, vượt 75% kế hoạch. Tăng trưởng huy động ngoài dự kiến này đã góp phần đưa tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chạm đích kế hoạch.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến sáng 11.10. |
Ngày 11.10, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam công bố tổng doanh số cho vay 9 tháng qua đạt hơn 821,4 tỷ đồng, tăng 158,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Hiện tổng dư nợ đến ngày 30.9 đạt hơn 3.582,7 tỷ đồng, tốc độ tăng 2,96%, đạt 98% kế hoạch giao. Trừ dư nợ chương trình cho vay học sinh sinh viên giảm gần 160 tỷ đồng, hầu hết dư nợ các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, chương trình cho vay hộ cận nghèo, chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đều tăng đáng kể. Một động thái khác thể hiện sự chia sẻ khó khăn với người nghèo của ngân hàng này khi thông qua việc đối chiếu, phân tích nợ trực tiếp đến hộ vay, ngân hàng đã đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi, tham gia tiết kiệm, nhất là đối với các hộ vay nợ lãi tồn đọng và thực hiện đề nghị xử lý kịp thời nợ rủi ro. Theo thống kê, ngân hàng đã xóa nợ 712 triệu đồng và khoanh nợ gốc 118 triệu đồng cho những hộ vay gặp rủi ro vì nguyên nhân khách quan. Hiện chi nhánh đang trình phê duyệt hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro của đợt 2 năm 2016 với tổng số tiền đề nghị xóa nợ là 1,56 tỷ đồng và khoanh nợ 156 triệu đồng.
Kế hoạch của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dư nợ khoảng 8 - 10% bằng cách đáp ứng kịp thời nhu cầu đối với chương trình học sinh sinh viên của học kỳ 1 năm học 2016 - 2017, tăng cường xử lý cơ bản các món vay không hoạt động, kiểm soát chặt chẽ nợ đến hạn từ nay đến cuối năm, phấn đấu thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, không để nợ quá hạn phát sinh, kéo tỷ lệ nợ quá hạn về mức 0,03%.
Không dễ xử lý nợ quá hạn
Hiện tăng trưởng dư nợ đã đạt 98%, chỉ còn 2%, cộng thêm tăng đến 8 hay 10% khi còn đến 3 tháng nữa sẽ không là chuyện khó để Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam có thể đạt hoặc vượt kế hoạch như dự định. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất của hệ thống ngân hàng này là việc xử lý nợ xấu, nợ quá hạn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Dinh, một số nơi, tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thật sự vào cuộc cùng với ngân hàng để xử lý kiên quyết những trường hợp người vay cố tình chây ì không trả nợ gốc, nợ lãi. Không ít nơi thiếu tác động đến ý thức chấp hành của người vay trong việc trả lãi hàng tháng theo quy định. Tình trạng hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú chưa được kiểm soát chặt chẽ, không có thông tin, địa chỉ cụ thể. Đó là một trong những nguyên nhân phát sinh tăng nợ quá hạn từ đầu năm đến nay.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam, tổng nợ xấu đến ngày 30.9 khoảng 6,08 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,17%. Trong đó nợ quá hạn 1,5 tỷ đồng, chiếm 0,04% tổng dư nợ, nợ khoanh 4,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,13% và chỉ có Hội An, Phước Sơn, Nam Trà My không có nợ quá hạn. Thực tế, nợ xấu đang là nỗi lo của hệ thống ngân hàng. Không ít ngân hàng đã tốn rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc vẫn chưa thể xử lý nổi. Không biết kế hoạch đưa tỷ lệ nợ xấu về 0,03% của ngân hàng có thực hiện được hay không, bởi vẫn còn không ít quan niệm tín dụng chính sách là tiền mà Nhà nước coi như tài trợ. Trả thì tốt mà nợ cũng không vấn đề gì.
Khó khăn lớn nhất là cuộc “truy tìm tông tích” các hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú để thu hồi nợ vẫn như “mò kim đáy bể”. Trong vòng 9 tháng qua, chỉ mới tìm kiếm và thu hồi được 54 hộ với số tiền 844 triệu đồng. Hiện còn 242 trường hợp với số tiền dư nợ khoảng 3,8 tỷ đồng chưa thể tìm thấy thông tin hoặc có thông tin nhưng chưa thật sự cụ thể. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng hiện nợ xấu tại Tam Kỳ chiếm 0,19%, nợ cao nhất Quảng Nam theo hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Nợ xấu là chuyện nợ kéo dài nhiều năm không giải quyết được. Nhiều người vay đã phải đi tù thì có muốn đòi nợ họ cũng không được. Chính quyền đã thí điểm đưa đại diện công an vào danh sách Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nên đã thu được 18 trường hợp chây ì với 184 triệu đồng. Nhưng Tam Kỳ chỉ có thể cam kết sẽ cố kéo nợ xấu, nợ quá hạn xuống 0,1%. Không thể nào giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 0,03% như kế hoạch của Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng tín dụng chính sách là giải pháp, công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững trên tiến trình phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Khi người nghèo có điểm tựa vững vàng về nguồn vốn, kiến thức và niềm tin, họ sẽ nhanh chóng tự mình tìm kế sách vượt thoát đói nghèo. Cần có một bản phân tích cụ thể vì sao cho vay học sinh sinh viên lại giảm quá sâu và phải kéo cho được nợ xấu về tỷ lệ thấp nhất để chứng minh chất lượng tín dụng hiệu quả. Không để vốn có mà dân nghèo không thể thụ hưởng.
TRỊNH DŨNG