Mặc dù dự báo một số ít chỉ tiêu khó có khả năng đạt theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI; song tại cuộc họp đánh giá 3 năm (2015 - 2018) thực hiện nghị quyết sáng qua (16.8), Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định sẽ không đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu.
Quang cảnh cuộc họp hôm qua 16.8. |
Phát triển đúng định hướng
Tăng trưởng GRDP (giá so sánh bình quân 3 năm (2016 - 2018) của tỉnh là 12,33%, cao hơn so với chỉ tiêu bình quân đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết XXI đề ra 10 - 10,5%/năm). Con số tăng trưởng này được ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH-ĐT nêu ra khi trình bày dự thảo báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI của UBND tỉnh. Ông Phong nhìn nhận, hơn nửa nhiệm kỳ qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản trong GRDP giảm từ 14,6% năm 2015 xuống còn khoảng hơn 11% năm 2018; các ngành phi nông nghiệp từ 85,53% tăng lên gần 89%; GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng, tăng 19 triệu đồng so với năm 2015. “Trong các ngành thì ngành công nghiệp - xây dựng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn qua các năm, với mức tăng 12%. Dịch vụ phát triển khá, tốc độ tăng bình quân 14,6%. Còn khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này cho thấy Quảng Nam đã thực hiện đạt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi phát triển khá nhanh, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngoài các cơ chế, chính sách chung của Nhà nước, từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết và bố trí, tập trung các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển khu vực nông thôn, miền núi; vừa chăm lo phát triển kinh tế, vừa tập trung giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, giúp người dân được hưởng lợi từ các thành tựu phát triển của tỉnh” - ông Phong phân tích.
Bày tỏ sự lạc quan về bức tranh kinh tế của tỉnh trong nửa đầu nhiệm kỳ, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Quang Thử cho rằng, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch tích cực, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng ở tốp 10, số lượng doanh nghiệp mới thành lập, các loại hình doanh nghiệp phát triển, đầu tư sản xuất kinh doanh đi vào chiều sâu... cho thấy nền kinh tế của tỉnh đang chuyển biến tích cực. Kết quả này sẽ là nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở những năm còn lại của nhiệm kỳ. Nhìn nhận, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ gặp khó khăn, nhưng ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, khả năng thu nội địa sẽ đạt chỉ tiêu 15%/năm. Bởi theo ông Chín, nguồn xuất khẩu đang giảm là do chính sách của Nhà nước có sự thay đổi chứ không phải do nội bộ nền kinh tế của tỉnh không phát triển.
Bổ sung giải pháp
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn ngọc Quang: “Cần đánh giá, phân tích sâu hơn, toàn diện hơn” Đến dự và chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu các sở, ngành liên quan của tỉnh cần tiếp tục phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện, thuyết phục hơn kết quả thực hiện các chỉ tiêu và các lĩnh vực phát triển đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Từ đó báo cáo Tỉnh ủy xem xét, bổ sung các nhóm giải pháp thật sự hiệu quả, có tính khả thi cao để thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, cần lưu ý nhóm giải pháp về tập trung thực hiện quyết liệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 (Khóa XII) về sắp xếp lại hệ thống chính trị, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp... |
Theo dự thảo báo cáo, công tác giảm nghèo những năm qua có độ bền vững, ổn định hơn. Trước đây, cứ 3 hộ thoát nghèo thì lại có một hộ rơi vào diện nghèo; nhưng hiện nay, 4,9 hộ thoát nghèo thì mới có một hộ rơi vào nghèo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, nếu trừ đi 10.000 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ, thì toàn tỉnh còn 28.000 hộ nghèo cần được hỗ trợ thoát nghèo. “Bây giờ không nên giao con số phần trăm phải giảm mà giao con số phải giảm cụ thể hàng năm. Có thể giảm từ 5.000 - 5.500 hộ/năm thì đến cuối nhiệm kỳ đánh giá lại sẽ đạt mục tiêu đề ra. Chúng ta đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, quan trọng bây giờ là cùng tập trung thực hiện với quyết tâm cao nhất, giảm nghèo thực chất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, không đề cập vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển so với nghị quyết, chỉ bổ sung giải pháp để thực hiện tốt hơn, đảm bảo đạt ở mức cao nhất. Theo đó, trước hết phải chú trọng bổ sung nhóm vấn đề về tiếp cận đất đai, bao gồm cả việc giải phóng mặt bằng, có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính. Làm tốt điều này thì khả năng huy động vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng lên, đảm bảo huy động 30%/năm so với mức đạt 29,4%/năm như thời gian qua. “Từ nay đến tháng 10.2018, ngành tài nguyên - môi trường phải đưa ra được đề án về giải quyết thủ tục đất đai, phân công trách nhiệm cụ thể, có sự liên thông giữa các thủ tục. Việc này là việc khó nên chúng ta phải tập trung vào thực hiện” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu giao nhiệm vụ.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, trong tình hình hiện nay, ngoài khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cần có cách tiếp cận mới về đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp. Khẳng định tiếp tục tập trung phát triển miền núi bằng cơ chế, chính sách gắn với nguồn lực phù hợp, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, để đảm bảo giảm nghèo hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH cần tính toán, đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian đến.
NGUYÊN ĐOAN