"Không đổi mới công nghệ, kinh tế sẽ tụt hậu"

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 15/02/2020 10:00

Không tận dụng cơ hội đổi mới khoa học công nghệ để gia tăng năng suất, sức cạnh tranh, sẽ nhanh chóng đẩy nền kinh tế tụt hậu khi công nghiệp vẫn chính là trụ cột kinh tế địa phương. Đây là điều được nói nhiều trên các diễn đàn phát triển kinh tế. Nhưng làm sao để thay đổi, tiếp cận và phát triển luôn là nỗi ưu tư của những người quản lý địa phương! Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ (KH&CN) về câu chuyện này.

THACO là điểm sáng về ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh doanh nghiệp.Ảnh: T.D
THACO là điểm sáng về ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh doanh nghiệp.Ảnh: T.D

* Có thể công bố thành tựu nổi bật nhất và định hướng của KH&CN Quảng Nam, thưa ông?

Ông Phạm Viết Tích: Chiến lược phát triển KH&CN Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã xác định hướng tập trung nghiên cứu ứng dụng, hướng đến sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, coi doanh nghiệp là trung tâm của nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Điều này đã khẳng định vai trò, vị thế của KH&CN trong sự phát triển chung của địa phương. Đây là hướng đi đúng.

Không chỉ riêng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện các đề án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu nhằm đưa sản phẩm đi xa hơn, tiếp cận các thị trường tiêu thụ khó tính, các hoạt động nghiên cứu KH&CN còn đạt được những thành quả nổi bật theo hướng ứng dụng, sát với thực tế sản xuất và đời sống. Một số công trình nghiên cứu ứng dụng, như những nghiên cứu khoa học làm cơ sở để xây dựng, phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, khu bảo tồn Sông Thanh, các dự án hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My… đã và đang góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo một số vùng Quảng Nam.

Không chỉ Thaco với công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam” ứng dụng thành công, rất nhiều công trình khoa học có ý nghĩa, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Có thể kể đến các công trình: “Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn tại Quảng Nam (từ năm 2013); “Nghiên cứu ứng dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây tỉnh Quảng Nam”; “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng”; “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình tổng hợp các loại keo dán gỗ thân thiện môi trường trên cơ sở tanin chiết tách từ vỏ một số loài cây keo ở Quảng Nam và ứng dụng trong sản xuất ván gỗ nhân tạo MDF”...

Tất cả đề tài này, nhất là ứng dụng vào hoạt động doanh nghiệp đã mở ra triển vọng hoàn thiện về công nghệ, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô công nghiệp, phục vụ sản xuất hoàn toàn tự chủ bằng nguồn nguyên liệu và công nghệ trong nước….

* Công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng địa phương đang ở mức thấp, sao nhiều năm vẫn không thay đổi?

Ông Phạm Viết Tích: Công nghiệp đã, đang và sẽ dẫn dắt tăng trưởng tăng nhanh theo hằng năm (riêng 2017 không tăng nhiều nhưng vẫn dẫn đầu và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu, chiếm 35,8% GRDP của tỉnh (công nghiệp tăng 2,5%, xây dựng tăng 7,5%). Tuy nhiên, trình độ công nghệ một số ngành sản xuất chủ yếu có sự phân hóa cao. Nếu ngành phụ trợ ô tô, cơ khí có năng lực, tiềm năng thì sản xuất vật liệu xây dựng, lâm sản có trình độ công nghệ khá thấp, quy mô nhỏ, trang thiết bị lạc hậu…

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN.

Thực tế cho thấy việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hoặc đổi mới công nghệ để tăng năng suất chất lượng sản phẩm vẫn chưa được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm đúng mực, chưa thể triển khai đồng bộ. Có một số lý do chủ yếu: Việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hoặc đổi mới công nghệ phải kèm theo những điều kiện ràng buộc nhất định: công nghệ phải được phép, có đầy đủ báo cáo đánh giá về hiệu quả sản xuất, tác động môi trường, thủ tục thanh quyết toán cũng là một trở ngại mà doanh nghiệp e ngại.

Nghiên cứu khoa học phải đủ nguồn lực, nhất là về con người trong khi doanh nghiệp ở Quảng Nam chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa sẵn sàng cho việc này. Chỉ riêng Trường Hải mới có hẳn một đơn vị R&D. Đối với doanh nghiệp nhỏ, việc hoàn thành các hồ sơ thủ tục theo quy định để được hỗ trợ và thanh quyết toán là việc chưa quen, gây trở ngại cho chính họ. Nguồn lực KH&CN hỗ trợ phát triển công nghiệp (dưới góc độ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ) không nhiều. Ví dụ: đối với một dự án đổi mới công nghệ dù doanh nghiệp đầu tư nhiều tỷ đồng cũng chỉ được hỗ trợ tối đa 450 triệu đồng. Hiện, đã hỗ trợ được hơn 39 doanh nghiệp tham gia đề án năng suất chất lượng, trong đó có 12 doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị, rất nhiều sản phẩm đặc trưng, truyền thống đã được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể…

* Không thiếu những nghiên cứu, đề tài khoa học nhưng để thương mại hóa hoặc áp dụng các kết quả đề tài khoa học này trên thực tế vẫn là khoảng cách quá xa?

Ông Phạm Viết Tích: Quảng Nam đã rất quan tâm hỗ trợ cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN. Điều này thể hiện qua các cuộc toạ đàm trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, với các nhà quản lý trên lĩnh vực công nghệ. Hằng năm, thông báo đến các tổ chức, cá nhân tham gia vào các dự án đổi mới công nghệ từ trung ương đến địa phương. Thụ hưởng thành quả này, nổi lên là Thaco đã được Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ Quốc gia hỗ trợ nhiều dự án đổi mới công nghệ. Có 12 doanh nghiệp khác tại Quảng Nam được hỗ trợ đổi mới công nghệ từ đề án “Năng suất chất lượng của tỉnh”.

* Mặc dù có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng năng suất thấp vì thiếu đổi mới công nghệ  khiến năng lực cạnh tranh của địa phương yếu, làm gì để thay đổi, thưa ông?

Ông Phạm Viết Tích: Đổi mới công nghệ chỉ là một trong những lý do. Để tăng năng suất, cần có chính sách quản lý, chiến lược kinh doanh đúng, người quản lý giỏi, công nhân có trách nhiệm, có tay nghề cao, biết vận dụng các kết quả nghiên cứu kinh tế về tăng năng suất lao động, tiết kiệm không gian, thời gian, hiệu quả sử dụng thời gian của từng đối tượng tham gia trong hệ thống sản xuất... Năng suất là yếu tố cốt lõi để sinh lời nhưng khả năng cạnh tranh của sản phẩm lại là một vấn đề khác. Đó là: nhu cầu thị trường (quan hệ cung - cầu), chất lượng, mẫu mã hàng hóa, thị hiếu người tiêu dùng…

Để tăng năng suất, doanh nghiệp sản xuất phải đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực công nhân sử dụng thiết bị, công nghệ. Thực tế, doanh nghiệp sản xuất tại Quảng Nam chủ yếu sử dụng công nghệ, thiết bị từ thập niên 70s của thế kỷ trước, đã lỗi thời, năng suất sản xuất thấp, sản phẩm phần lớn dùng để tiêu thụ nội địa, tốn nhiều công lao động/sản phẩm. Chính điều này dẫn đến không có lợi cho phát triển sản xuất, thêm nữa là công nghệ cũ khó tránh tác động xấu đến môi trường sống. Nếu không cải tiến, khả năng cao sẽ bị bỏ lại phía sau.

Đứng trước bài toán nan giải này, ngành KH&CN Quảng Nam đã vận dụng tối đa các nguồn lực được phép để hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam cải thiện cao năng suất lao động. Nổi bật là đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Quảng Nam”. Đánh giá sơ bộ cho thấy hiệu quả thiết thực về năng suất, chất lượng, quản lý, thương hiệu, năng lực cạnh tranh ở các doanh nghiệp tham gia đề án này (năng suất lao động tăng từ 1,6 lần đến 9 lần, doanh thu tăng từ 25,43% đến 64%, giảm thiểu ô nhiễm môi trường). Tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa được những sản phẩm đặc trưng, truyền thống của Quảng Nam đến với người tiêu dùng và được biết rộng rãi trong cả nước. Mới đây nhất, NQ 02 của HĐND, QĐ 2868 của UBND về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025 đã được ban hành.

Mỗi doanh nghiệp đều có định hướng chiến lược phát triển, cạnh tranh riêng. Nhưng ngành KH&CN Quảng Nam sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua hỗ trợ thông tin, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết quả nghiên cứu đổi mới công nghệ qua Techmart online (techmart.skhcn.quangnam.gov), hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, giới thiệu trao đổi, buôn bán hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các sự kiện cung - cầu công nghệ, tham gia phát triển thị trường KH&CN trong nước, quốc tế.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Không đổi mới công nghệ, kinh tế sẽ tụt hậu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO