Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 994/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020. Mục tiêu của quyết định quan trọng này hướng đến duy trì kết quả đã thực hiện được trong giai đoạn I và giai đoạn II của Kế hoạch lập lại trật tự hành lang đường bộ, đường sắt tại Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27.12.2007 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; đồng thời sẽ điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế và quy định của pháp luật hiện hành. Kế hoạch này nếu triển khai hiệu quả sẽ nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang đường bộ, đường sắt; lập lại trật tự kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn chúng. Qua đây sẽ tiếp tục xác định và duy trì hệ thống hành lang đường bộ, đường sắt; hoàn thành xây dựng hệ thống đường gom, đường nhánh đấu nối vào quốc lộ, đường ngang đường sắt, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt nhằm đảm bảo an toàn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: S.C |
Vậy nhưng, Sáu Còi cho rằng làm thế nào để đạt mục tiêu đề ra không phải chuyện đơn giản, nhất là trong quá trình triển khai Quyết định số 1856/QĐ-TTg còn gặp bao chuyện nhiêu khê. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, điển hình là mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Sinh - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng (Sở GTVT) cho biết, thực tế khi triển khai các khâu thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ vừa qua mới thấy được sự phối hợp quản lý hành lang và quản lý của địa phương còn rất lúng túng, kể cả hành lang pháp lý. Theo pháp lý, đất hợp pháp của người dân nằm trong hành lang an toàn giao thông khi bị thu hồi thì được đền bù, nhưng lại chưa quy định nguồn ấy lấy từ đâu. Một số trường hợp mặc dù đất của bà con đang quản lý sử dụng, song họ không được cấp bìa đỏ mà cũng không được thu hồi vì thiếu kinh phí đền bù, điều này gây rắc rối trong quá trình giải phóng mặt bằng… Sau khi bị thu hồi đất chỉ đủ phục vụ cho dự án, nhiều hộ có phần còn lại vẫn nằm trong hành lang đường bộ với diện tích lớn hơn 40m2 thì cho tồn tại do chưa đủ tiền đền bù luôn. Nó sẽ dẫn đến mâu thuẫn là nếu cho họ xây dựng cơ ngơi làm nơi ăn ở thì sau này phải đền bù cả đất lẫn nhà cửa…
Bên cạnh rắc rối trên, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt thời gian qua triển khai chưa liên tục và thường xuyên, không đủ sức “kéo” người dân tự giác tuân thủ. Ngoài ra, biện pháp ngăn chặn, xử lý các đường ngang đấu nối trái phép vào đường bộ, đường sắt hay như chuyện cưỡng chế hành vi vi phạm hành lang an toàn dù có làm nhưng hiệu quả không cao. Các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hành lang và chính quyền địa phương còn “lệch pha” nhau khá xa về sự phối hợp. Bao nhiêu tồn tại vừa nêu đang chờ các ngành, đơn vị có liên quan vào cuộc tháo gỡ trong thời gian tới, đó là chưa đề cập những vấn đề mới cần xử lý; lẽ tất nhiên chuyện hạ quyết tâm thôi chưa đủ.
SÁU CÒI