Không được cảnh báo trước!

PHÚC - NGƯỚC - ĐẠO - QUÂN 30/10/2020 20:14

QNO - Vụ sạt lở đất ở các xã Trà Vân, Trà Leng (Nam Trà My), Phước Lộc (Phước Sơn) gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tuy nhiên các cảnh báo về sạt lở của ngành chức năng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Sạt lở đất trên quốc lộ 40, đoạn qua xã Trà Dơn (Nam Trà My)
Sạt lở đất trên quốc lộ 40, đoạn qua xã Trà Dơn (Nam Trà My)
Sạt lở đất trên quốc lộ 40, đoạn qua xã Trà Dơn (Nam Trà My)
Lở núi ở Trà Leng
Lở núi ở Trà Leng. Ảnh: Nhóm PV

Hiện tượng sạt lở đất vùi lấp nhà cửa ở các khu vực này cho thấy hiện trạng nhà dân nằm trên sườn đồi núi với nền đất yếu. Theo quy luật, nếu càng mưa nhiều sẽ càng sạt trượt mạnh. GS-TS. Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam cho rằng, để có cơ sở cảnh báo sạt lở thì phải nhận diện được khu vực đó có khả năng sạt trượt hay không. Nếu rừng cây nghiêng ngã thì đã có sự thay đổi bên trong; trường hợp nhìn khe nứt mới thì đất đã có dịch chuyển và đất có nước rỉ ra tức là đã bão hòa nước.

“Khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường đó, thì cơ quan chức năng sẽ phải cắm biển cảnh báo vùng nguy hiểm, thậm chí dứt khoát di dời dân” - ông Vũ Trọng Hồng lưu ý.

Tắc đường do sạt lở đất tại quốc lộ 40B, đoạn huyện Nam Trà My
Tắc đường do sạt lở đất tại quốc lộ 40B, đoạn huyện Nam Trà My. Ảnh: Nhóm PV

Tuy nhiên, với địa hình địa chất ở xã Trà Leng, thực tế trước đó không bộc lộ những dấu hiệu bất thường. Khu vực làng Ông Đề thuộc thôn 1 (xã Trà Leng) từ nhiều năm nay dân cư sinh sống ổn định, được cho là nóc có địa hình an cư ổn định nhất của xã Trà Leng. Bằng chứng là trong kế hoạch bố trí đưa dân ra khỏi vùng thiên tai, ngôi làng này không hề nằm trong kế hoạch của địa phương cả trước mắt lẫn lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhận định, việc ngôi làng bị vùi lấp bởi khối lượng đất đá lớn có nguyên nhân từ hiện tượng lũ ống xuất hiện nhanh. Chính lũ ống đã làm sạt trượt đất. Ở góc nhìn khoa học, theo GS-TS. Vũ Trọng Hồng, mọi sự cố đều có nguyên nhân của nó, trong đó có yếu tố hạn chế trong năng lực cảnh báo thiên tai của cơ quan chức năng; đặc biệt là dự báo được khi nào và chỗ nào sạt lở.

Còn nhớ, năm 2012 Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT) chủ trì xây dựng bản đồ cảnh báo sạt trượt đất. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, do thiếu kinh phí thực hiện nên đến nay chỉ số ít địa phương xây dựng được bản đồ. Thực tế, các bản đồ này không thể chỉ ra các điểm sạt lở chính xác, cũng như không thể dự báo thời điểm nào xảy ra sạt lở. Lý do chính là vì phụ thuộc vào các yếu tố liên quan thời tiết, mưa lũ, biến động bề mặt  địa chất…

Nếu như được cảnh báo sớm về sạt lở đất, thì làng ông Đề thôn 1 xã Trà Leng sẽ không bị thiệt hại lớn về tính mạng người dân.
Nếu như được cảnh báo sớm về sạt lở đất, thì làng ông Đề thôn 1 xã Trà Leng sẽ không bị thiệt hại lớn về tính mạng người dân.
Nếu như được cảnh báo sớm về sạt lở đất, thì làng Ông Đề thôn 1 xã Trà Leng sẽ không bị thiệt hại lớn về tính mạng người dân. Ảnh: Nhóm PV

Vậy, các điểm sạt lở núi gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong bão số 9 vừa qua có được báo trước hay không?

Câu trả lời của Sở TN-MT và Sở NN&PTNT là hoàn toàn không. Chiều 30.10, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, trước đây có dự án của Ngân hàng Thế giới tài trợ xây dựng bản đồ cảnh báo sạt trượt lở đất khu vực miền núi, nhưng bản đồ đó không thể dùng được, do dữ liệu, cảnh báo chung chung, không điểm danh cụ thể địa điểm sạt lở nào ở cấp xã.

“Tỉnh đang nghiên cứu đề tài sạt lở đất 3 huyện Bắc Trà My, Nam Trà My và Phước Sơn, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Theo đó, sẽ có một bộ công cụ để cảnh báo sạt trượt. Lĩnh vực cảnh báo sạt lở đất đá thường giao cho cơ quan khí tượng, chứ ngành nông nghiệp không có trình độ cảnh báo” - ông Tý nói. Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT quả quyết, đến nay ngành cũng không có dữ liệu thông tin, bản đồ cảnh báo sạt trượt đất miền núi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không được cảnh báo trước!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO