Ông Phạm Đăng Quý - con trai duy nhất của ông Phạm Đăng Bính, kể cho chúng tôi nghe về hành trình gõ cửa khắp nơi để cha mình được công nhận là liệt sĩ. Không ai ngờ rằng, những hồ sơ giấy tờ có giá trị pháp lý vẫn bị khước từ vì Nghị định 54/2006 NĐ-CP đã hết hiệu lực…
Đồng chí Phạm Đăng Bính, sinh năm 1918, quê ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) là tự vệ chiến đấu trong Cách mạng Tháng 8.1945, sau đó tham gia Đội tuyên truyền vũ trang tỉnh Đắk Lắk. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Xí nghiệp Dược phẩm 1 Hà Nội. Tháng 1.1965, ông đi B, công tác ở Khu ủy Khu 5 với chức vụ Xưởng phó phụ trách dược ở Xưởng thủy tinh. Năm 1974, ông được cấp trên giao đi phục vụ tuyến trước để đánh quận lỵ Tiên Phước, bị thương vì đạn pháo được đưa về Bệnh viện 1 Dân y Khu Trung Trung Bộ và hy sinh ngày 28.7.1974, mai táng tại khu rừng Nước Oa, huyện Trà My. Sự hy sinh của ông có nhiều đồng đội, trong đó có lãnh đạo Xưởng thủy tinh chứng kiến. Do khu vực này, sau giải phóng được san ủi để xây dựng Khu di tích lịch sử Nước Oa nên hài cốt của ông được chuyển vào nghĩa trang liệt sĩ xã Trà Tân (Bắc Trà My). Phần lớn hài cốt đưa vào nghĩa trang thời điểm này đều không có tên trên bia mộ, trong đó có ông Phạm Đăng Bính.
Gia đình ông Phạm Đăng Bính với bộ hồ sơ trước khi gửi ra Hà Nội. Ảnh: HỒNG VÂN |
Nguyên nhân ông Bính hy sinh mà không có giấy báo tử là vì sau chiến thắng quận lỵ Tiên Phước, đơn vị của ông tiếp tục phục vụ lực lượng vũ trang giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng. Chiến sự dồn dập nên công tác lưu trữ có trường hợp thiếu sót. Sau 1975, Xưởng thủy tinh giải thể để thành lập Công ty CP Dược phẩm Danapha hiện nay, vì vậy hồ sơ lưu trữ bị thất lạc. Vợ đã mất, con gái lớn hy sinh, con trai út mới sinh năm 1968, sau giải phóng còn nhỏ nên không ai đứng ra làm hồ sơ liệt sĩ. Các đồng chí thân thiết cứ nghĩ ông Bính hiển nhiên là liệt sĩ rồi, lại xa cách nên việc thăm hỏi hạn chế. Mãi đến năm 2007, kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, đồng đội từ Đà Nẵng tìm vào Quảng Ngãi mới “bật ngửa” vì ông Bính chưa được Tổ quốc ghi công.
Được sự giúp đỡ của địa phương cùng đồng đội của cha mình, cuối năm 2007, anh Quý làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho cha mình theo Nghị định số 54/2006. Nghị định này cho phép có 2 người làm chứng trở lên thì được công nhận liệt sĩ. Hồ sơ ông Quý gửi đi (có dấu đỏ) gồm: Giấy xác nhận và đề nghị làm chế độ liệt sĩ của chính quyền cả 3 cấp là xã Đức Phong, huyện Mộ Đức và tỉnh Quảng Ngãi; Giấy xác nhận của Công ty CP Dược Danapha; Giấy xác nhận của ông Trần Lai, nguyên Ủy viên Ban y tế Khu 5, sau này là Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp dược Việt Nam, người trực tiếp giao nhiệm vụ đi chiến trường cho ông Bính; ông Phan Văn Tân và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú công tác cùng cơ quan Xưởng thủy tinh. Gia đình ông Quý gửi toàn bộ hồ sơ đồng chí Phạm Đăng Bính, bí danh Kiều Tiên (số 36763) do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 chứng thực (tháng 2.2011) với đầy đủ các loại giấy tờ ông Bính gửi lại Ủy ban Thống nhất trước khi đi B (1965) gồm: lý lịch, thẻ đoàn viên, sổ lao động, giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, giấy chứng minh…
Những tưởng như vậy đã quá đủ và việc công nhận liệt sĩ sẽ được thực hiện ngay sau đó, nào ngờ… Ngày 12.4.2013, ông Hoàng Công Thái - Cục trưởng Cục người có công trả lời gia đình bằng công văn, với nội dung: Nghị định số 54/2006 NĐ-CP đã chấm dứt hiệu lực và hiện nay Cục thực hiện theo hướng dẫn Thông tư số 25/2007-BLĐTBXH. Người được công nhận là liệt sĩ phải có các giấy tờ: giấy báo tử; huân chương, huy chương; bảng vàng danh dự, bằng gia đình vẻ vang. Khi nghe trả lời văn bản như vậy, gia đình ông Quý “”bó tay”. Bởi những điều thông tư đưa ra không thể áp dụng với trường hợp của ông Bính. Vì nếu có giấy báo tử, gia đình đã làm chế độ liệt sĩ từ lâu đâu đợi đến hôm nay. Việc phải có huân, huy chương là vô cùng khó khăn, vì trong chiến tranh, đang đi chiến đấu, làm sao mang huân chương theo người? Yêu cầu phải có bảng vàng danh dự, bằng gia đình vẻ vang lại càng vô lý bởi chưa được công nhận liệt sĩ thì làm sao có những bằng này?
Gia đình ông Quý rất bức xúc vì những quy định vô lý của pháp luật. Ông Bính tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, từ bí mật đến công khai, địa phương đều biết. Sau đó, ông tập kết ra Bắc, hồ sơ quản lý và lưu trữ trước khi đi B còn nguyên; vào Nam chiến đấu hy sinh ở chiến trường Quảng Nam có nhiều đồng đội chứng kiến và xác nhận. Đó là sự thật nhưng ông vẫn không được công nhận là liệt sĩ. Một gia đình có nhiều công lao với đất nước mà đã hơn 40 năm trôi qua vẫn chịu thiệt thòi thật là xót xa. Phải chăng, những quy định cứng nhắc đã đi ngược lại chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước?
HỒNG VÂN