(QNO) - Sáng 25.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Đáng chú ý, theo dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, tại Khoản 1 và 2 (Điều 4 về bảo mật thông tin) quy định hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
Trong khi đó, tại Điều 6, dự thảo luật quy định Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, việc hòa giải, đối thoại tại tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hằng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội. Do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án. Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án với 3 trường hợp. Thứ nhất, pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch. Thứ hai, chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở, trước khi hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Thứ ba, chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.
Tham gia góp ý dự án luật này, ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, trong dự thảo chưa có một điều luật nào quy định về các hành vi bị nghiêm cấm của hòa giải viên. Đồng thời nhấn mạnh, trách nhiệm, nghĩa vụ của người hòa giải viên là rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề giải quyết các vụ việc, vụ án.
Trên cơ sở đó, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung một điều luật sau Điều 4, có thể là Điều 5 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm của hòa giải viên; đưa Điểm d và Điểm đ của Khoản 2, Điều 14 vào Điều 5 này, bổ sung thêm một số hành vi. Cụ thể như sau: không được ép buộc các bên hòa giải, đối thoại trái với ý chí của họ. Không được nhận tiền, lợi ích vật chất từ bác bên tham gia hòa giải, đối thoại; và các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc đang hòa giải, đối thoại. Không dụ dỗ, thuyết phục, mua chuộc một bên thỏa thuận nhằm có lợi cho bên kia.
Ngoài ra, đại biểu Phan Thái Bình cũng kiến nghị cần nghiên cứu sửa lại Điều 35, 36 theo hướng quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của tòa án sẽ có hiệu lực sau 3 ngày kể từ khi có quyết định; và quyền kiến nghị của viện kiểm sát cũng nằm trong thời hạn 3 ngày này. Điều này sẽ đảm bảo tăng cường trách nhiệm, vai trò của viện kiểm sát, đồng thời tránh tình huống viện kiểm sát kiến nghị trong khi quyết định này đã được thi hành tạo ra hậu quả pháp lý khó giải quyết.